Chiều 21-20, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc Chính phủ đề xuất cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước nhấn mạnh tới con số thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng.
Theo Tờ trình 437/TTr-CP của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo trước Quốc hội chiều 21-10, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan để Chính phủ trình Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và đưa vào Nghị quyết tại kỳ họp thứ tám.
Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc Chính phủ chậm ban hành hai nghị định hướng dẫn đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền; các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp, dự tính gần 5.000 tỉ đồng.
Về kiến nghị của Chính phủ cho phép lùi thời gian thu tiền, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đồng ý và cho rằng việc truy thu số tiền nêu trên là khó khả thi. Ngoài ra, cũng cần tính đến tác động ảnh hưởng của việc truy thu đến môi trường đầu tư kinh doanh, đời sống của người dân.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác không tán thành với quan điểm trên và cho rằng, việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn đã dẫn đến những khó khăn vướng mắc là trách nhiệm của Chính phủ. Vì vậy, nếu Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật, đồng thời, làm hụt một khoản thu lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Ủy ban Kinh tế thấy rằng, Tờ trình của Chính phủ mới chỉ đề cập đến những khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chậm ban hành nghị định nên chưa thu được tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của luật.
Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần bổ sung nội dung đánh giá việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước ảnh hưởng như thế nào đến việc thu ngân sách nhà nước.
Ủy ban cũng kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai nghị định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ chín vào giữa năm 2020.
Cuối buổi làm việc chiều 21-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn và báo cáo thẩm tra đề án do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày.