Trước vấn đề cho rằng Hà Nội đã ứng phó chậm trễ trong sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết Thủ tướng đã nói và thành phố đã rút kinh nghiệm.
Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội. Trước khi bắt đầu phiên họp tổ, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao đổi với về một số vấn đề liên quan sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải vừa xảy ra.
Chấn chỉnh việc lúng túng khi sự cố xảy ra
Ông cho rằng sau sự việc phải rút rất nhiều kinh nghiệm về quản lý nguồn nước. Sau đó là làm rõ rách nhiệm của doanh nghiệp trong cung cấp nước và của công an trong bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước.
Bí thư Hà Nội lưu ý việc chính là phải xem toàn bộ hệ thống quan trắc xung quanh các hồ cấp nước. Hiện hệ thống quan trắc rất thiếu nên bất cứ ở đâu, kể cả có an ninh bảo vệ vẫn có thể xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn.
Muốn vậy, phải chia trách nhiệm từng công đoạn cho từng công đoạn xem ai chịu trách nhiệm nhận nguồn nước đầu vào, người nào có trách nhiệm xử lý nước.
“Không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc nhưng lại không phát hiện ra hoặc phát hiện ra sự cố nhưng xử lý lúng túng, như Tổng giám đốc Công ty nước sạch sông Đà Nguyễn Văn Tốn nói rằng khi xảy ra sự cố thì không biết dừng hay không, cái đó nhất định phải chấn chỉnh”, ông Hải nói.
Ông Hải nhắc lại sau sự việc này phải rà soát lại hết quy trình để người dân yên tâm hơn, và đảm bảo sẽ không có chuyện tái diễn hay xin lỗi lần nữa.
Đây cũng là việc mà ông Hải cho rằng thành phố, các sở ngành, doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm, để từ đó cụ thể hóa các quy định.
“Đấy là những cái mình phải rà soát lại để không xảy ra nữa, bởi thành phố 10 triệu dân, đó là cái rất đáng tiếc. Thành phố phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Lúc nào cũng có quyền cắt
Trước đánh giá cho rằng chính quyền thành phố đã phản ứng chậm trễ trong sự cố nước nhiễm dầu thải vừa qua, ông Hải nói: “Cái đó Thủ tướng cũng nói rồi, thành phố cũng sẽ rút kinh nghiệm việc này”.
Ông nhấn mạnh việc phân công nhiệm vụ trong xử lý công việc và thông tin, cùng với đó là sự phối hợp với các cơ quan liên quan.
Bởi theo Bí thư Hà Nội, trong bất cứ việc gì thường có lỗ hổng trong việc phối hợp, xảy ra tình trạng “ông chẳng và chuộc”, vì vậy, cần quy phạm hóa, quy trình hoá tất cả quá trình xử lý. Nếu không khi sự cố xảy ra sẽ lại tối, không biết địa phương đáng tin hay bộ đáng tin.
Khi báo chí đặt vấn đề trường hợp nước sạch cung cấp cho dân vẫn không đảm bảo chất lượng thì có thể cắt quyền cung cấp nước của doanh nghiệp không, Bí thư Hà Nội khẳng định “cắt thì lúc nào mình cũng có quyền cắt”. Nhưng cắt là để yêu cầu họ làm đúng chứ không phải thích thì làm.
“Cung cấp những dịch vụ thiết yếu thì bắt buộc phải thực hiện yêu cầu, anh không được phép thiếu trách nhiệm bởi làm như thế ảnh hưởng rất lớn tới người dân”, ông Hải nói.
Trước băn khoăn “cắt điện còn được báo trước”, nhưng nước bẩn cả một tuần mà dân không nhận được thông báo của chính quyền, ông Hải cho rằng điện qua 60 năm phục vụ với nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” mới khá dần lên. Còn ngành nước là mới, non trẻ nên phải dần dần. Nhưng ông cũng thừa nhận các ý kiến đòi hỏi là rất đúng vì họ nộp đủ tiền cho doanh nghiệp nhưng lại không được cung cấp theo đúng yêu cầu.