Việc khai thác cát ở thượng nguồn sông Đồng Nai diễn ra quá mức khiến bờ sông hàng năm bị sạt lở dần, cuộc sống của người dân bị xáo trộn, ngày đêm sống trong sợ hãi vì mép sông đã lấn gần sau hè nhà.
Nhiều hộ dân sống dọc bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đang kêu cứu vì nhà cửa bị “xé toạc,” đất canh tác liên tục sạt lở trôi theo sông.
Việc khai thác cát ở thượng nguồn sông Đồng Nai diễn ra quá mức khiến cuộc sống của người dân bị xáo trộn, ngày đêm sống trong sợ hãi vì mép sông đã lấn gần sau hè nhà.
Sống trong sợ hãi
Gần 10 năm qua, những tiếng hút cát ầm ĩ trong đêm khiến gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn 4 không còn yên bình như trước. Căn nhà xây cấp bốn chỉ còn cách vực thảm bờ sông chưa đầy 5m. Ngay sát chân nhà bếp là vực thảm dốc được “níu kéo” bởi các bụi tre, cỏ dại… Những hàng cây này đang có nguy cơ trôi xuống lòng sông. Trước tình trạng bờ sông hàng năm bị sạt lở dần, phía sau gian nhà bếp nguy cơ sạt lở đang cận kề.
Gia đình bà Hoa mỗi năm phải bỏ ra cả chục triệu đồng để kè lại bờ sông, giữ nền nhà. Tuy nhiên, tường nhà vẫn nứt “xé toạc,” móng nhà liên tục bị sụt lún như muốn trôi tuột xuống sông Đồng Nai. Đáng chú ý, phần nửa căn nhà phía sau đã xuất hiện vết nứt tường lớn trên 5cm. Gian nhà bếp đã nghiêng nghiêng theo hướng bờ sông.
Bà Nguyễn Thị Hoa ngao nán nói: “Nhà cửa ngày càng nứt nẻ nhiều hơn, đời sống sinh hoạt trong nhà rất bất an. Nhất là vào mùa mưa bão, nước sông dâng lên cao rất dễ bị sụt xuống. Một phần đất sau nhà cạnh bờ sông đã sạt lở và nước ăn sâu vào tận nhà bếp.”
Trước những vết nứt ngày càng lớn, mọi sinh hoạt trong gia đình khu vực nhà bếp đều rất hạn chế. “Đây là do ảnh hưởng của các tàu hút cát. Cách đây cũng 7-8 năm rồi, nhà tôi bắt đầu bị nứt. Năm năm trở lại đây, nhà tôi phải ba lần kè để chống sạt lở nhưng vẫn không chịu được lượng hút cát giật hết ra gây nứt kè. Bây giờ, cuộc sống gia đình bấp bênh lắm. Những lúc có xe ôtô đi ngang đường trước nhà, tiếng rung bần bật cả căn nhà khiến gia đình rất lo lắng sợ sụp xuống nước,” bà Hoa kể.
Hàng xóm của bà Hoa là gia đình chị Trương Thị Mỹ Linh đã hơn một tháng qua không còn nấu ăn ở phòng bếp vì tường bếp đã xuất hiện vết nứt rộng. Lo sợ nguy cơ sạt lở trôi xuống sông xảy ra bất cứ lúc nào, gia đình phải chuyển bếp đến gần phòng khách, ngay hành lang đi lại. Không gian sinh hoạt ngày càng chật chội do bếp sát với phòng khách và phòng ngủ.
Nhìn vết nứt “hở hàm ếch” hơn gần 10cm, chị Trương Thị Mỹ Linh bày tỏ mong muốn chính quyền các cấp có các giải pháp để các tàu cát hút mà không ảnh hưởng đến nhà dân.
Tình trạng nhà nứt tường không chỉ riêng hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa và chị Trương Thị Mỹ Linh, còn nhiều hộ khác sinh sống dọc bờ thượng nguồn sông Đồng Nai. Hầu hết nền nhà phía sau đều xuất hiện vết sụt lún sâu, nghiêng về phía vực sâu lòng sông chỉ còn vài mét. Hiểm họa tai nạn chực chờ, khiến sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân rất bất an.
Hệ lụy khó lường…
Theo thống kê vào tháng 9/2019 của Ủy ban Nhân dân xã Đăng Hà, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ nằm cạnh bờ sông Đồng Nai bị Tình trạng hút cát, mưa lũ gây sạt lở nguy hiểm đến tính mạng cũng như tài sản. Cụ thể, chín hộ dân cần di dời khẩn cấp vì có nguy cơ sạt lở cao, với diện tích xây dựng gần 700m2. Nền nhà các hộ dân này bị sụt lún sâu, tường nứt dài từ trần nhà xuống nền đất.
Ở xã Đăng Hà, không chỉ các căn nhà đối mặt với nguy cơ “rình rập” chìm xuống sông, diện tích đất canh tác cũng bị nước sông Đồng Nai “nuốt” dần. Điển hình, mảnh vườn canh tác sầu riêng của ông Huỳnh Quảng tại thôn 6, chỉ chưa tròn một tháng trở lại đây, hơn 1 sào rẫy trồng sầu riêng 3 năm tuổi đã bị trôi xuống sông.
Theo ông Quảng, thực tế diện tích còn khả năng sạt lở tiếp tục khi mùa mưa và nước dâng cao. Gia đình ông Quảng còn lắp đặt camera trong vườn để tiện quan sát bảo về tài sản cũng như kịp ngăn cản nếu phát hiện có tàu khai thác cát hút lấn vào đất nhà. Gia đình đã làm chòi, thuê các nhân công để canh giữ vườn. Tuy nhiên, “cát tặc” hoạt động vào ban đêm, dùng vòi hút sâu vào chân bờ rẫy nên rất khó phát hiện, đất cứ bị sạt lở.
Ông Huỳnh Quảng bức xúc cho biết, vườn nhà ông đã bị “cát tặc” hút lấn từ rất lâu. Gia đình đã kiến nghị nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Mỗi khi nước sông lên đã gây sạt lở 3 sào đất. Vườn sầu riêng của ông Quảng đã sang năm thứ hai, chỉ hai năm nữa sẽ có thu hoạch nhưng nếu sạt lở nhiều sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ.
Nhiều năm qua, do “cát tặc” hút sâu vào chân bờ sông, đất vườn gia đình chị Bùi Thị Hiền ở thôn 4 liên tục bị “nhấn chìm” xuống lòng sông Đồng Nai. Tiếc đất sạt lở không có khả năng kiểm soát, gia đình chị đã bán gần 1 sào (hơn 0,1ha) đất để gom vốn liếng bán quán nước giải khát. Tuy nhiên, đến giờ, chị Hiền vẫn lo ngại phần đất canh tác, đất ở, kinh doanh buôn bán. Tình trạng sạt lở cứ lấn dần về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đất, cũng như tài sản của gia đình.
Trước hệ lụy khai thác cát ảnh hưởng đến đời sống người dân dọc thượng nguồn sống Đồng Nai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đăng Hà Vũ Ngọc Đỉnh cho biết hiện địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng, nhà cửa bị nứt do ảnh hưởng của khai thác cát, mưa bão.
Lãnh đạo xã đã trình Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, Ủy ban Nhân dân huyện xem xét hỗ trợ kinh phí để di dời các hộ dân nguy cơ bị sạt lở cao, đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân. Ủy ban Nhân dân xã thường xuyên vận động, cảnh báo các hộ dân về mối đe dọa sạt lở nguy hiểm đến tính mạng, tài sản. Một số đối tượng vẫn khai thác cát trái phép đã lợi dụng hút cát theo đơn vị có cấp phép.
Xã Đăng Hà hiện có khoảng 100 hộ dân sinh sống, canh tác dọc bờ sông Đồng Nai. Theo phản ánh của người dân, hơn một tháng trở lại đây, nạn “cát tặc” tiếp tục hoạt động cả ngày lẫn đêm. Hiện nay, không chỉ bên bờ sông cả tỉnh Bình Phước đã có nhiều đoạn bị sạt lở, còn có cả phần bờ sông đối diện thuộc địa phận của tỉnh Lâm Đồng.
Tình trạng nhà cửa “xé toạc,” đất canh tác hẹp dần đang khiến người dân nơi đây rất bức xúc, lo ngại tài sản sẽ bị sông “nuốt trôi” bất cứ lúc nào. Người dân nơi đây mong chờ những giải pháp thỏa đáng từ các cơ quan chức năng sớm giúp họ không còn sống trong nơm nớp trên miệng của ” hà bá” sông Đồng Nai.