Sau vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải bẩn, nhiều người quan tâm việc sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt (sông, hồ) đang thực hiện theo quy trình nào?
Theo các chuyên gia về xử lý nước sạch, hiện sản xuất nước sạch được lấy từ nguồn nước ngầm hoặc nguồn nước mặt (sông hồ). Về cơ bản, quy trình xử lý nước mặt được thực hiện theo trình tự: Nguồn nước sông được dẫn vào mương thu nước và đưa về bể thu và trạm bơm. Tại đây, rác thải được tách ra khỏi nước thô. Sau đó, nước thô được bơm dẫn về bể lắng sơ lắng và trạm bơm tiếp theo (cấp 1 đợt 2) để loại bỏ cát, bùn. Sau bước này nước chỉ còn cặn lơ lửng, tiếp tục được bơm về bể tiếp nhận và phân phối lưu lượng.
Từ đây, nước chảy sang bể trộn, bể phản ứng, bể lắng, bể lọc để xử lý bằng hóa chất. Các bước này nhằm lọc bùn mịn ra khỏi nước và châm hóa chất theo định lượng nhằm loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, trạm bơm nước sạch sẽ hút nước đã được xử lý từ bể chứa nước sạch ra mạng lưới đường ống truyền tải, phân phối và dịch vụ đến khách hàng sử dụng nước sạch.
Đối với sản xuất nước sạch sông Đà, Công ty Viwasupco thông tin: Nguồn nước được khai thác nguồn nước mặt sông Đà và nhà máy đặt sau hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Binh, tại xã Hợp Thành (Kỳ Sơn, Hòa Bình). Bước đầu tiên là kênh dẫn nước sông là kênh tự chảy dài 3,3 km, dẫn nước sông Đà đến trạm bơm nước sông. Từ trạm bơm nước sông Đà, nước được bơm từ kênh dẫn nước lên hồ Đầm Bài, trạm có công suất thiết kế 345.600 m3/ngày đêm. Nước sau khi bơm lên hồ Đầm Bài sẽ có chức năng sơ lắng và phục vụ tưới cho các xã xung quanh. Từ hồ Đầm Bài, sẽ có trạm bơm từ hồ Đàm Bài lên kênh dẫn dài 500m lên khu xử lý.
Khu xử lý nằm trong khu vực của Nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà sẽ có 6 công đoạn:
+ Trước tiên là buồng thu nhận nước từ hồ Đầm Bài kết cấu bê tông kết thép với chức năng phân phối nước tới các bể trộn, công suất 160.000 m3/ngày đêm.
+ Tại bể trộn thủy lực, nhà máy tiến hành trộn phèn vào nước thô. Có 2 bể mặt bằng 5,4×5,4m có cao độ sàn đáy +90m.
+ Tiếp đó, nước đến bể phản ứng để hình thành bông cặn. Có 2 đơn nguyên chia thành 6 bể, các bể có vách ngăn đục lỗ. Mỗi năng có lắp một máy khuấy.
+ Nước sau đó chảy vào bể lắng: Lắng các bông cặn đã được hình thành các giai đoạn trước. Bể lắng có 2 đơn nguyên với 6 bể. Các bể lắp các mô đun ống lắng có đục lỗ . Bùn lắng được đưa đến phễu thu và tháo ra khỏi bể qua các van ống lồng. Mỗi đơn nguyên có công suất 160.000m3/ngày đêm.
+ Nước từ bể lắng chảy vào bể lọc nhanh để loại bổ vật chật hạt, tạp chất. Nước sau lắng chảy qua lớp vật liệu lọc, nơi mà phần lớn các hạt sẽ bị loại bỏ trên phần đầu cũng như qua suốt chiều sâu lớp lọc. Tại đây có 16 biể lọc chia làm 4 cùm qua hành làng. Mỗi bể lọc có diện tích hơn 112m2.
+ Bể pha clo để trộn clo vào nước sau lọc nhanh và xả khí. Bể được thiết kế với thời gian lưu giữ là 6 phút gồm 2 ngăn: ngăn xả khí và ngăn trộn clo. Tổng dung tích 2.000m3. Kích thước mặt bằng của bể là 24x24m, cao độ đáy hơn 87m.
Sau quá trình này, nước sẽ chảy ra bể trung gian để đẩy vào truyến ống truyền tải nước sạch. Mạng lưới được phân phối vào nội thành Hà Nội thông qua trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ.
Theo Công ty Viwasupco, trong quy trình xử lý nước mặt trên có một số công trình phụ trợ như đài nước để cấp nước rửa bể, nhà hóa chất, bể xử lý bùn nhận nước xả bùn từ bể lắng, nước rửa lọc bể.
Các chuyên gia nhận xét, nhìn vào quy trình xử lý nước thải Công ty Viwasupco, lỗ hổng lớn nhất chính là khâu kênh dẫn nước từ sông Đà đến trạm bơm để bơm lên hồ Đồng Bài. Hồ này có diện tích 16 triệu m2 có nhiều kênh nhỏ dẫn vào. Đối tượng đã đổ trộm phế thải cách đó gần 5 km nhưng sau các trận mưa, nước chảy qua các kênh nhỏ vào hồ Đầm Bài và gây nên ô nhiễm nguồn nước sạch cấp cho Hà Nội hơn 10 ngày qua.