Chưa bao giờ, bờ biển Hội An (Quảng Nam) lại chịu tác động mạnh của sóng biển, triều cường như hiện nay. Nhiều tuyến kè biển tiếp tục bị sóng biển đe dọa, gây sạt lở nghiêm trọng.
Cồn cát lên nổi giữa biển với những diễn biến khó lường, gây khó khăn cho phương tiện thủy. Rừng dương liễu ở Cồn Doi có nhiệm vụ ngăn chặn sạt lở cho khu vực khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại lại bị sóng đánh tan tác, đang tiếp tục sạt lở trước khi mùa mưa bão đến.
Ông Mai Văn Trúc, một người cao tuổi ở khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Vài năm trước, khu vực Cồn Doi, thuộc khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vẫn còn là dải đất liền nhô ra phía biển khá xa.
Nhận thấy vị trí quan trọng của dải đất này, chính quyền, người dân địa phương đã trồng thành rừng dương liễu với mục đích phòng hộ.
Tuy nhiên, qua mấy mùa mưa bão, khu vực này bị sóng biển đánh gây sạt lở nghiêm trọng. Một diện tích lớn rừng dương liễu trồng với mục đích phòng hộ bị đã nước biển cuốn trôi.
Hơn 100m đất dọc theo bờ biển ở khu vực Cồn Doi bị sạt lở, ăn sâu vào bờ từ 3 – 5m, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngày nào rừng dương liễu cũng bị xói lở xuống biển. “Thời tiết bình thường nhưng sạt lở như vậy, khi biển động sẽ sạt lở gấp 10 lần” – ông Trúc lo lắng.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, thành phố Hội An cho biết, sóng biển, triều cường tác động mạnh khiến Cồn Doi bị tách khỏi đất liền và đang biến biến phức tạp.
Qua theo dõi hằng năm, Cồn Doi sạt lở ở phía bờ nam nhưng đang bồi ra về phía Đông và Đông Bắc.
Để bảo vệ tài sản cho người dân trong khu vực, địa phương tiếp tục tính đến giải pháp trồng lại rừng cây dương liễu để chống sạt lở.
Tuy nhiên, nếu tình trạng sạt lở cứ tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, việc trồng lại rừng phòng hộ ở khu vực này không hiệu quả.
Trong khi đó, việc tìm ra giải pháp chống sạt lở bờ biển hiệu quả, bền vững, lại nằm ngoài khả năng của địa phương.
Vì vậy, địa phương mong cấp trên và các ngành có liên quan quan tâm, không để bờ biển khu vực khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại sẽ bị xóa sổ.
Nhiều hội thảo trong nước và quốc tế đã được tổ chức nhằm cứu bờ biển Hội An được tổ chức hướng đến ngăn chặn sạt lở bờ biển, tập trung nhiều ở khu vực phường Cửa Đại và phường Cẩm An.
Tuy vậy, việc tìm ra giải pháp bền vững để bảo vệ bờ biển Hội An một cách tổng thể vẫn còn bỏ ngỏ.
Chưa bao giờ, bờ biển Hội An lại chịu tác động mạnh, phức tạp của sóng biển như hiện nay. Cách bờ chừng 2km, một đảo cát đã hình thành, đang tiếp tục bồi đắp.
Trong bờ, nhiều tuyến kè tiếp tục bị sóng biển đe dọa. Dù mùa mưa bão chưa đến song rừng dương phòng hộ ven biển đã bị sóng đánh trôi dạt ra biển.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho hay: Tình trạng sạt lở bờ biển Hội An nói chung và những điểm sạt lở tại bờ biển Cửa Đại nói riêng vẫn trông chờ vào Dự án tổng thể chống sạt lở bờ biển của UBND tỉnh.
Hiện, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư Dự án tổng thể chống sạt lở bờ biển. Hy vọng, Dự án này sẽ sớm được xúc tiến để bờ biển Hội An được bảo vệ tốt hơn.
Trước những lo lắng của chính quyền, người dân thành phố Hội An về tình trạng sạt lở bờ biển, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, sinh kế của cộng đồng, ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: chống sạt lở bờ biển Hội An đã trở thành mối quan tâm lớn không chỉ của địa phương, còn của cả các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ.
Trước mắt, tỉnh Quảng Nam đang được Trung ương xúc tiến hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 40 tỷ đồng để bảo vệ khẩn cấp bờ biển Hội An đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Về lâu dài, tỉnh Quảng Nam, các bộ, ngành Trung ương đang tiến hành các thủ tục cần thiết để vay vốn ODA từ Chính phủ Pháp để bảo vệ tổng thể, ổn định bền vững bờ biển Hội An.
Mùa mưa bão năm 2019 đang đến gần, người dân thành phố Hội An mong các ngành chức chức năng của tỉnh Quảng Nam cần sớm triển khai giải pháp chống sạt lở khẩn cấp, nhằm bảo đảm an toàn cho người, tài sản trong mùa mưa bão.
Về lâu dài, một Đề án tổng thể, khả thi, phù hợp với thực tế cần sớm được ban hành để cứu bờ biển du lịch này một cách bền vững hơn.