Dự án biến rác thải nhựa thành những viên gạch có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm với nhiều tính năng ưu việt đã được thực hiện bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) với quốc gia Tây Phi Bờ Biển Ngà.
Hiện nay, mỗi năm các nhà sản xuất nhựa cho ra lò khoảng hơn 300 triệu tấn nhựa. Theo ước tính của các nhà hoạt động môi trường thì một nửa trong số này trở thành rác thải. Đặc biệt, nguy hiểm hơn, trong số các sản phẩm được sản xuất từ nhựa, chỉ có 9% được tái chế, trong khi 91% còn lại sẽ biến thành rác thải rồi đưa vào trong không khí, đất và nước gây ô nhiễm trầm trọng, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe nhân loại. Do đó, các nhà khoa học phải tìm mọi giải pháp để tái chế nhựa thành các sản phẩm hữu ích khác, trong đó có công trình nghiên cứu biến rác thải nhựa thành gạch xây thông thường.
Tính năng ưu việt
Dự án biến rác thải nhựa thành những viên gạch có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm với nhiều tính năng ưu việt đã được thực hiện bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) với quốc gia Tây Phi Bờ Biển Ngà. Cụ thể, UNICEF đã hợp tác với Công ty Tái chế chất thải nhựa và cao su Conceptos Plasticos của Bờ Biển Ngà, nhằm sử dụng triệt để lượng rác thải nhựa được thu gom về từ các khu vực bị ô nhiễm nặng nề và xung quanh các khu vực “ổ chuột” dành cho người thu nhập thấp và lao động nghèo ở thành phố Adidjan của nước này, để sản xuất gạch phục vụ kế hoạch xây dựng 500 phòng học cho hơn 25.000 trẻ em của Bờ Biển Ngà trong vòng 2 năm tới.
Theo UNICEF, những viên gạch được sản xuất từ nhựa tái chế có khả năng chống cháy, giá thành rẻ hơn 40%, nhẹ hơn 20% và có tuổi thọ dài hơn hàng trăm năm so với các loại vật liệu xây dựng thông thường hiện nay. Bên cạnh đó, gạch từ nhựa tái chế này lại không thấm nước, cách nhiệt tốt và được thiết kế để chống lại những cơn gió to.
Những nỗ lực của UNICEF và Công ty Conceptos Plasticos đã cho kết quả bước đầu rất hiệu quả bằng việc chính quyền Bờ Biển Ngà đã cho đưa vào sử dụng rất nhiều phòng học ở các địa phương trên khắp cả nước. Bình quân, mỗi phòng học khoảng gần 100 học sinh và “giờ đây, chúng có thể lĩnh hội kiến thức và phát triển kỹ năng sống trong các phòng học khang trang sạch sẽ như thế này”, Tiến sĩ Aboubacar Kampo, đại diện của UNICEF cho biết.
Tạo bước đệm để trẻ em đến với con chữ
Cũng theo Tiến sĩ Kampo, tình trạng thiếu cơ sở vật chất và giảng dạy, đặc biệt là phòng học đang là một trong những thách thức lớn đối với Bờ Biển Ngà. Khó khăn này đã khiến cho nhiều học sinh phải tạm ngừng ước mơ tới trường. Bên cạnh đó, việc quá đông học sinh trong một lớp cũng gây khó khăn trong công tác dạy và học đối với các thầy cô giáo và học sinh ở Bờ Biển Ngà. Quốc gia này hiện đang cần tới khoảng 15.000 phòng học cho trẻ em, nhất là lứa tuổi mẫu giáo.
Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore cho biết, Liên hợp quốc đã cho khởi công xây dựng nhà máy sản xất gạch từ rác thải nhựa ở Bờ Biển Ngà, đáp ứng nhu cầu thiếu cơ sở hạ tầng giáo dục không chỉ ở Bờ Biển Ngà mà còn lan rộng ra các quốc gia Tây Phi khác như khu vực Tây và Trung Phi, nơi có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất thế giới do tình trạng thiếu phòng học gây nên.
Việc xây dựng nhà máy sản xuất gạch này, ngoài việc cung cấp phòng học cho trẻ em sáng kiến này đã góp phần làm giảm mạng lượng rác thải khổng lồ thải ra ngoài môi trường, cũng như tăng thu nhập cho các gia đình nghèo tại các khu ổ chuột ở ngoại ô các thành phố lớn của Bờ Biển Ngà.
Các quốc gia châu Phi đã thúc đẩy hàng loạt sáng kiến sau khi dự án xây nhà máy gạch làm từ rác thải nhựa, nhằm đối phó với tình trạng rác thải nhựa ngày càng tăng như hiện nay. Sáng kiến làm sạch châu Phi (ACI) đã triển khai dự án đóng học phí bằng chai nhựa, đồng thời khuyến khích các bậc phụ huynh nộp học phí cho con em mình bằng chai nhựa. Hy vọng, giải pháp thông minh này có thể là bước đệm cho các hoạt động môi trường tích cực hơn, mang con chữ đến với học sinh nghèo châu Phi, cũng như giúp phụ nữ châu Phi “thoát nghèo”.
Đại diện Conceptos Plasticos cho biết, bằng cách biến rác thải nhựa thành các “cơ hội”, công ty muốn giúp phụ nữ châu Phi thoát nghèo và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em. Dự án được mở rộng triển khai rộng khắp tại các quốc gia Tây và Trung Phi, những khu vực chiếm 1/3 số trẻ em trên thế giới ở độ tuổi tiểu học và 1% số trẻ em ở độ tuổi trung học cơ sở không đến trường.
Trước dự án đặc biệt này, một số quốc gia cũng đã áp dụng phương pháp sử dụng rác thải nhựa để xây dựng trường học. Tại Campuchia, ngôi trường mang tên HUSK đã sử dụng vỏ chai nhựa để xây lớp học. Các nhà quản lý trường chia sẻ, điều quan trọng nhất là phải sử dụng các vỏ chai có cùng kích thước, khiến việc xếp chồng chúng trở nên dễ dàng hơn. Được biết, toàn trường HUSK được xây dựng bằng 100.000 vỏ chai nhựa.