Sau một loạt sự cố, Hà Nội đang trở thành một đô thị có rủi ro về môi trường, từ chất lượng không khí đến nước sạch. Hơn bao giờ hết, Thủ đô cần ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường lên hàng đầu.
Một loạt sự kiện mới xảy ra gần đây như ô nhiễm bụi mịn, vụ cháy Rạng Đông và mới nhất là vụ hàng vạn người dân Hà Nội phải dùng nước nhiễm dầu thải từ Nhà máy nước sạch Sông Đà cho thấy công tác giám sát, quản lý môi trường đang thực sự có vấn đề rất lớn.
Đã đến lúc chính quyền thành phố cần phải đặt ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường lên hàng đầu, để người dân không phải hít bụi mịn, khói thủy ngân, hay dùng nước nhiễm dầu như những sự cố vừa xảy ra.
Chất lượng môi trường đi xuống?
Một thực tế dễ dàng nhận thấy là, ngoài bức tranh sông, hồ nước đen đặc, bốc mùi hôi thối, tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô đang có diễn biến xấu. Điều này đã được các cơ quan quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền Hà Nội và giới chuyên gia xác nhận là do phát triển đô thị hóa kéo theo gia tăng phương tiện giao thông, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp…
Ngoài ra, thực trạng đang bị lên án mạnh mẽ nhất là việc sau mỗi vụ mùa, người dân ngoại thành lại đốt rơm rạ, đặc biệt là đốt rơm tươi khiến thành phố nhiều thời điểm bị “chìm” trong khói bụi. Thực tế này cũng đã được các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí đặt trong ngưỡng báo động.
Năm nay, xu hướng bụi mịn PM2.5 tăng cao. Chỉ riêng tháng 9/2019, theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn Hà Nội, trong các ngày từ 15-17/9 và 23-29/9 có đến trên 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn quy định, nhiều thời điểm vượt vượt ngưỡng 200, ở mức xấu.
Đó cũng là lý do ngày 7/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo chính thức Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp xử lý.
Trong khi việc giải quyết ô nhiễm không khí, bụi mịn vẫn đang là bài toán “biết rồi, khổ lắm, nói mãi,” những sự cố về môi trường gần đây lại như “thêm dầu vào lửa” khiến các cơ quan quản lý, giới chuyên gia, đặc biệt người dân thêm lo lắng.
Một trong những sự cố được cảnh báo làm “nhiễm độc” bầu không khí là vụ cháy kho chứa nguyên liệu và sản phẩm của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã làm khoảng 15,1kg đến 27,2kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường, khiến hơn 100 người phải đi khám, điều trị.
Sự cố đáng tiếc nêu trên dù không mong muốn cũng đã xảy ra, nhưng điều mà nhiều người còn băn khoăn là lượng thủy ngân phát tán ra không khí, môi trường nước cho đến nay vẫn chưa được công bố đầy đủ. Nhất là mới đây, một số báo chí phản ánh, nhiều nhân viên công ty đã gửi đơn “tố” lãnh đạo công ty này đã không trung thực khi báo cáo số liệu sản phẩm, nguyên liệu bị cháy?
Vụ việc trên chưa nguôi thì mới đây, sự cố nhà máy nước sạch của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm bẩn do một số người đổ trộm dầu thải ở gần kênh dẫn nước vào nhà máy này lại gây ra “cú sốc” mới, khiến hàng vạn người dân ở 6 quận thành phố Hà Nội phải sử dụng nước nhiễm styren.
Ông Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam khẳng định styren là một loại chất độc hại, có thể có trong xăng dầu và gây hại sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc phát hiện styren trong sự cố dầu thải tràn vào nước sạch vẫn chưa hẳn là thông tin “quý,” bởi theo chuyên gia này, có thể trong dầu thải còn có nhiều chất giống như styren nhưng có độc tính cao hơn và độ tan nhanh hơn trong nước nên mới gây ra mùi nồng nặc như vậy.
Trong “cơn bĩ cực,” ban quan lý một số tòa nhà chung cư và không ít người dân đã phải bỏ tiền đi mua nguồn nước sạch khác về dùng…
Cần ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường
Không thể phụ nhận, trong những sự cố vừa xảy ra, cơ quan chức năng của các Bộ, ngành liên quan và chính quyền thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy mẫu quan trắc, trấn an dư luận. Tuy nhiên, với một loạt sự cố nghiêm trọng liên tiếp, có thể thấy công tác giám sát, quản lý môi trường đang ‘có vấn đề.’ Bởi bên cạnh các nguyên nhân khách quan, còn không ít “lỗ hổng” liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý và việc chấp hành của doanh nghiệp.
Sự cố cháy nghiêm trọng tại Công ty Rạng Đông là minh chứng cho thấy việc quy hoạch khu-cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất hóa chất độc hại trong nội thành, khu dân cư đông đúc có thể sẽ còn gây ra những sự cố môi trường, gây ảnh hưởng nặng nề. Một khi xảy ra sự cố cháy nổ nghiêm trọng, sẽ không chỉ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người dân, làm xấu diện mạo đô thị của thành phố.
Đánh giá về những sự cố vừa xảy ra, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng về bản chất, vụ Rạng Đông và hiện nay là vụ Nhà máy nước sông Đà đều có cùng một “kịch bản.” Đó là khi xảy ra sự cố thì rất lúng túng trong việc xử sự cố. Đến khi xử lý thì quá muộn và cộng đồng đã phải lãnh hậu quả.
Có chung quan điểm, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, một công dân sinh sống tại quận Thanh Xuân – khu vực chịu ảnh hưởng từ những sự cố vừa xảy ra, thở dài: “Qua những sự cố lớn về môi trường xảy ra trong thời gian vừa qua có thể thấy chất lượng môi trường thủ đô đang trên đà xuống dốc… ”
Một thực tế đáng lo là, sau những sự cố nêu trên, các cơ quan, cán bộ chịu trách nhiệm về quản lý môi trường hay ngay cả những doanh nghiệp để xảy ra sự cố nghiêm trọng đều chưa thấy ai bị kỷ luật và cũng chưa thấy có giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Từ nỗi lo trên, ông Nguyên kiến nghị đã đến lúc chính quyền thành phố phải đặt ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường lên hàng đầu. Từ công tác quy hoạch đến việc giám sát, xử lý sự cố cần được thực hiện có trách nhiệm hơn. Bởi Hà Nội hiện nay đang trở thành một đô thị có rủi ro quá cao về môi trường, từ chất lượng không khí, nước sạch, ô nhiễm…
“Sức khỏe và tính mạng của người dân đang bị thách thức. Do đó, Hà Nội cần có biện pháp cải thiện để nâng cao đời sống người dân cũng như giữ chân, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế,” ông Nguyên nêu quan điểm.