Kỳ họp 8 Quốc hội khoá XIV khai mạc sáng nay (21/10). Đây là kỳ họp diễn ra trong bối cảnh kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, vị thế của đất nước không ngừng được nâng cao. Song vẫn còn nhiều vấn đề “nóng” khiến cử tri băn khoăn, lo lắng, chờ quyết định của Quốc hội.
Lo lắng từ vấn đề chủ quyền đến ô nhiễm không khí, nguồn nước
Qua tổng hợp và theo dõi ý kiến gửi đến kỳ họp 8 thì vấn đề đầu tiên cử tri, nhân dân quan tâm là bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cử tri, nhân dân tin Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc quyết tâm, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền lãnh trên đất liền và biển đảo của Tổ quốc.
Tuy nhiên, cử tri, nhân dân lo lắng trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
“Để bảo vệ vững chắc thềm lục địa và lãnh hải của Tổ quốc, nhân dân mong Đảng, Nhà nước có giải pháp, quyết sách về vấn đề biển Đông hiện nay và những năm về sau”, ông Nguyễn Mạnh Hảo (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ.
Vấn đề nữa khiến cử tri băn khoăn, lo lắng là bảo vệ môi trường. Theo ý kiến của cử tri, nhân dân, công tác này thời gian qua đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm. Nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.
Mức độ ô nhiễm không khí tại các TP lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở mức đáng báo động, nguy hại đến sức khỏe con người dân. Hay gần đây nhất là vấn đề an ninh nguồn nước như vụ nước sạch nhiễm dầu thải.
Thêm vào đó, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc phản ứng của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng như vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông…
Cử tri và nhân dân đề nghị, Quốc hội, Chính phủ có giải pháp xử lý ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước, không để xảy ra các vụ việc tương tự.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho hay, cử tri rất quan tâm tới vấn đề Biển Đông. Cử tri mong có những thông tin chính thống tới các ĐBQH để truyền đạt tới người dân. Bên cạnh đó, cử tri quan tâm đến sự tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô.
“Cử tri mong muốn, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của mình qua ý kiến của các ĐBQH, mang tiếng nói tới diễn đàn Quốc hội để giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh, đồng thời biểu quyết những vấn đề mang lại “ích nước, lợi nhà”, những vấn đề Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống”, ông Hoà nhấn mạnh.
“Nóng” vấn đề chống tham nhũng, chạy chức, chạy quyền
Với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cử tri, nhân dân phấn khởi, tin tưởng, đánh giá cao khi Đảng, Nhà nước đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo xử lý.
Theo ý kiến cử tri, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, việc xử lý tham nhũng ở một số nơi chuyển biến chưa mạnh; “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả; xử lý, thu hồi tài sản bị tham nhũng hiệu quả chưa cao; công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức…
Theo nhận định của ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nghị trường kỳ họp này sẽ “rất nóng” với nhiều vấn đề, trong đó, có 2 vấn đề lớn là phòng, chống tham nhũng và chống chạy chức, chạy quyền.
“Chống tham ô, tham nhũng đang rất quyết liệt, tất cả đang vào guồng máy. Phải thừa nhận, những kết quả đạt được thời gian qua là rất lớn nhưng cử tri còn mong đợi nhiều hơn nữa. Tôi tin vấn đề này sẽ được rất nhiều ĐBQH quan tâm”, ông Trí nói.
ĐBQH đoàn TP Hà Nội cũng chia sẻ, ông được biết từ nay đến cuối năm có 2 vụ án lớn sẽ được đưa ra xét xử, đó là thương vụ Mobifone mua AVG liên quan đến 2 cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông; vụ việc liên quan đến “Vũ nhôm” và 2 người đứng đầu chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Trí, từ nay tới năm 2020, các cấp, các ngành đang chuẩn bị các bước tiến hành Đại hội Đảng và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Vấn đề chống “chạy chức, chạy quyền” rất được cử tri quan tâm.
“Rất nhiều cử tri gửi gắm tới ĐBQH để nói tiếng nói của cử tri trên diễn đàn Quốc hội làm sao hạn chế tình trạng này theo đúng tinh thần của Hội nghị Trung ương”, ông Trí nói.
ĐBQH Phạm Văn Hoà cũng cho biết, các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp, cử tri đều nói đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và chống “chạy chức, chạy quyền”,
“Chống chạy chức, chạy quyền bằng cách nào? Các văn bản của Trung ương, Chính phủ đã ban hành rồi nhưng thực hiện ra sao? Việc này phải được thực hiện bằng cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo, không thể chấp nhận cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ”. Trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhiều vụ án được đưa ra như vụ “Vũ nhôm”, “Út trọc”… vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cũng được nhiều người quan tâm, mong muốn làm rõ”, ĐBQH đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.
Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp 8, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày (không kể ngày nghỉ), Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 27/11.
Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Trong đó, Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) nhận được sự quan tâm lớn của cử tri cả nước thời gian qua dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch năm 2020; xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 Cùng với đó, xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2019. Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ dành thời gian 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự… |