Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hôm 20/10 cho biết 2 cơn bão Neoguri và Bualoi – hình thành ở Thái Bình Dương – đang di chuyển về phía nước này.
Thông tin trên được đưa ra giữa lúc Nhật Bản vẫn đang vật lộn khắc phục hậu quả siêu bão Hagibis, trận bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua, đổ bộ vào nước này hôm 12-10.
Theo báo Times of Japan, cơn bão thứ 19 trong năm nay đã cướp đi sinh mạng ít nhất 79 người và 10 người vẫn còn mất tích. Nhiều người trong số họ thiệt mạng do ngập lụt. Theo hãng tin Kyodo, một số khu vực ở miền Đông và Đông Bắc Nhật Bản đối mặt nguy cơ xảy ra thêm lũ lụt và lở đất do mưa lớn gây ra. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xếp siêu bão Hagibis vào hệ thống các “thảm họa bất thường”, cho phép Tokyo chi tiền cho các nỗ lực phục hồi.
Nhật Bản đã đầu tư nhiều tỉ USD vào cơ sở hạ tầng hiện đại nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Dù vậy, ít nhất 55 con đê đã bị vỡ khi siêu bão Hagibis trút xuống Nhật Bản lượng nước mưa kỷ lục, làm ngập hàng chục ngàn ngôi nhà. Theo báo The New York Times, tình trạng này đã làm dấy lên câu hỏi khó đối với cả Toyko và thế giới: Liệu những hệ thống tốn kém nhất có thể phát huy được hiệu quả trong thời đại các cơn bão trở nên mạnh hơn do biến đổi khí hậu hay không?
Sau khi một cơn bão tàn khốc làm chết hơn 1.200 người vào cuối những năm 1950, Nhật Bản bắt tay xây dựng những con đê và đập trên gần như mọi dòng sông trong lúc nhiều đoạn lòng sông được bao bọc bởi bê-tông. Tuy đã cứu được vô số sinh mạng, các dự án này không đủ sức đáp ứng thách thức của các kiểu thời tiết ngày càng cực đoan – theo ông Shiro Maeno, chuyên gia tại Trường ĐH Okayama (Nhật Bản).
Việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã đẩy nợ công của Nhật Bản lên mức cao kỷ lục khi nước này phê duyệt nhiều dự án mà sau này tỏ ra không hiệu quả hoặc gây hại cho môi trường. Trong khi đó, ông Daniel Aldrich, chuyên gia người Mỹ về quản lý thảm họa, nói rằng các dự án kỹ thuật khổng lồ thường mang lại cảm giác an toàn sai lầm, khiến người ta tránh thực hiện biện pháp hiệu quả hơn: sơ tán. Cũng theo ông Aldrich, đã đến lúc chú trọng nhiều hơn đến các biện pháp “mềm” trong bối cảnh biển đổi khí hậu, như khuyến khích hàng xóm giúp đỡ nhau sơ tán trước khi thiên tai xảy ra.