Anh: Giới đồ cổ khiếu nại lệnh cấm buôn bán ngà voi

Trong tuần này, Tòa án tối cao Vương quốc Anh sẽ lắng nghe một khiếu nại nhằm ngăn chặn lệnh cấm buôn bán ngà voi, ngay trước thời hạn Brexit, trong khi các nhà bảo tồn lo ngại rằng bất kỳ thay đổi nào cũng có thể hồi sinh nạn săn trộm voi.

Những người buôn bán đồ cổ, cho rằng việc bán “các di sản văn hóa” không tác động gì đến thị trường ngà voi trái phép, đang thách thức chính phủ về Đạo luật Ngà 2018 vốn được tất cả các đảng ủng hộ.

Các chuyên gia cho rằng anh cung cấp đồ cổ là ngà voi cho Trung Quốc. (Ảnh: Wu Hong/EPA)

Luật này, vẫn chưa có hiệu lực, hình sự hóa việc buôn bán tất cả các đồ chế tác bằng ngà voi, và chỉ miễn trừ cho một vài trường hợp liên quan đến nghệ thuật. Lệnh cấm được cựu Bộ trưởng Môi trường Michael Gove ủng hộ nhiệt thành với cam kết đưa ra “một trong những lệnh cấm nghiêm ngặt nhất thế giới về việc bán ngà để bảo vệ voi cho các thế hệ tương lai”.

Hiện tại, đồ cổ chế tác trước tháng 3/1947 vẫn được buôn bán nếu có giấy phép của chính phủ. Khiếu kiện lên tòa án tối cao một phần dựa vào lập luận rằng lệnh cấm vi phạm luật pháp châu Âu vẫn cho phép buôn bán ngà voi cổ. Do đó, vụ việc đã được giải quyết nhanh chóng để có thể xét xử trước thời hạn Brexit ngày 31/10 năm nay.

Khiếu nại được một công ty mới thành lập có tên Friends of Antique Cultural Treasures (FACT) đệ trình lên tòa án, nhưng các khoản tiền tài trợ cho công ty lại được chuyển qua kênh Hội những người buôn đồ cổ Anh (BADA). Tổ chức này thừa nhận việc bán ngà voi hợp pháp có thể thành vỏ bọc thương mại cho ngà voi săn trộm nhưng khăng khăng rằng “các chuyên gia có kiến thức phù hợp có thể đánh giá liệu một mặt hàng có được sản xuất trong thời kỳ trước hay không”. Do đó, BADA đề xuất “xác minh từ bên thứ ba cho các sản phẩm chạm khắc hoặc vật phẩm có thành phần chủ yếu là ngà voi”.

Nhưng các nhà bảo tồn và các nhóm bảo vệ động vật cảnh báo rằng hành động pháp lý sẽ khiến quốc tế hiểu sai.

Mary Rice, Giám đốc điều hành của Cơ quan điều tra môi trường (EIA) khẳng định: “Lệnh cấm cần phải được thực thi bây giờ. Ngà chỉ chiếm 1% giao dịch đồ cổ ở Anh. Thị trường hợp pháp cho bất kỳ sản phẩm ngà nào cũng sẽ thành cơ chế tẩy sạch cho ngà voi bất hợp pháp và điều đó kích thích nhu cầu. Hiện tại EU đang tiến hành tham vấn riêng và họ coi Đạo luật Ngà của Anh như một chuẩn mực. New Zealand, Úc và Singapore đang trong quá trình đóng cửa thị trường. Vương quốc Anh đã đi đầu trong việc chống lại tội phạm động vật hoang dã bất hợp pháp”.

Andrew Brown, Luật sư đang làm việc với EIA chỉ rõ: “Thương mại hợp pháp là vỏ bọc cho buôn bán lậu. Tương đối dễ dàng để biến ngà voi mới thành cũ, ví dụ bằng cách nhuộm trà để ngà trông cũ hơn. Vương quốc Anh cung cấp ngà voi cổ cho các thị trường ngà voi bất hợp pháp lớn nhất là Trung Quốc và Hồng Kông. Bỏ lệnh cấm sẽ gửi đi thông điệp sai lầm và cản trở những nỗ lực toàn cầu để chống lại nạn săn trộm. Thách thức pháp lý này đã trì hoãn việc thực thi luật. Theo các cuộc thăm dò dư luận, 85% công chúng muốn lệnh cấm ngà voi được thi hành”.

5 miễn trừ được Đạo luật Ngà 2018 cho phép bán cho bảo tàng, các đồ vật “nghệ thuật cao” trước năm 1918, các vật phẩm được sản xuất trước năm 1947 với hàm lượng ngà voi dưới 10%, nhạc cụ được sản xuất trước năm 1975 chứa dưới 20% ngà, và các bức chân dung cổ có chứa ngà.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: