Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Chiều 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi Gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự.
Cơ quan công an vận động người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc.
Cần xem xét thêm hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho rằng trong quy trình cấp nước sạch, Viwasupco chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá chất lượng nước hàng ngày trước khi bán cho khách hàng.
Tuy nhiên, trong sự cố lần này, vì sao việc ô nhiễm xảy ra nhiều ngày nhưng phải đến khi người dân và báo chí phát hiện, doanh nghiệp mới đưa ra thông báo cảnh báo.
“Liệu quy trình kiểm tra của công ty có được thực hiện đúng hay ko?”, luật sư đặt nghi vấn và phân tích nếu đã đề ra quy trình mà không thực hiện đúng, gây thiệt hại cho khách hàng, hoặc đã thực hiện quy trình phát hiện ra nước bẩn nhưng không thông báo để khách hàng ứng phó thì đó là lỗi thiếu trách nhiệm.
Theo luật sư, từ những thông tin đã phản ánh thì cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra là cần thiết và nên xem xét thêm hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Đối với tội này, ông Giáp lý giải người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% thì sẽ bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, để khởi tố tội danh này cơ quan chức năng cần thu thập các chứng cứ về thiệt hại sức khỏe của người dân, thiệt hại tài sản do việc để lọt nước sạch bán cho người tiêu dùng.
Người dân có thể khởi kiện
Về dân sự, luật sư Giáp chỉ ra rằng người dân chịu hậu quả khi dùng nước bẩn hoàn toàn có thể khởi kiện công ty cấp nước sạch.
Theo quy định, doanh nghiệp cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia nhưng sản phẩm bán ra lại kém chất lượng, không đạt chuẩn như thỏa thuận thì doanh nghiệp phải bồi thường.
Đồng quan điểm nêu trên, luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá hành vi đổ chất thải gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Đối với Viwasupco, đây là đơn vị ký hợp đồng với người dân để cung cấp nước sạch không ô nhiễm. Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải nhưng không báo cáo ai, cũng không có hành động gì liên quan để ngăn chặn số dầu này mà cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm vào nguồn nước bán cho người dân.
“Rõ ràng đây không phải là nước sạch cung cấp theo hợp đồng đã ký và theo cam kết nghĩa vụ với khách hàng của Công ty nước sạch Sông Đà”, ông Thu nói và nhấn mạnh, việc khởi tố vụ án nhằm xác định trách nhiệm của người đứng đầu Viwasupco hay của tập thể.
Luật sư cũng cho rằng người dân nên thống kê các thiệt hại khi dùng nước Sông Đà bị ô nhiễm để làm căn cứ khởi kiện công ty nước sạch, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nếu có đủ căn cứ, doanh nghiệp này phải bồi thường cho người dân đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ nước sạch.
Liên quan đến trách nhiệm để xảy ra sự cố, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) nhận định ngoài công ty nước sạch, UBND Hà Nội cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Theo luật sư, thành phố đã thể hiện vai trò quá “mờ nhạt, chậm chạp” khi phản ứng với sự cố môi trường nghiêm trọng này.
Ông lý giải một mình Viwasupco chưa đủ khả năng khắc phục sự cố do đơn vị này cũng chỉ là doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận. Nhưng UBND Hà Nội đã thờ ơ với sức khỏe của người dân.
“Đáng lẽ khi phát hiện sự cố, ngay lập tức UBND thành phố phải có động thái quyết liệt hơn”, luật sư nói và viện dẫn một số giải pháp như ngừng cấp nước toàn bộ, lấy mẫu xét nghiệm và tìm ngay nguồn nước sạch thay thế.
Tối 15/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.
Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội, Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong khu vực trên. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Viwasupco khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. |