Chỉ trong vòng hơn một tháng, người dân thủ đô phải đối mặt với hai sự cố gây hoang mang, lo lắng. Đó là vụ cháy Rạng Đông và nước sạch sông Đà ô nhiễm dầu thải.
Tại vụ cháy Rạng Đông (xảy ra ngày 28-8), Hà Nội đã bị phàn nàn trong việc chậm trễ thông tin đến người dân, cũng như triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả vụ cháy. Thế nhưng hơn một tháng sau, một sự việc tương tự xảy ra có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng trăm nghìn hộ dân, chính quyền Hà Nội cũng mắc lỗi tương tự.
Ngày 10-10, nhiều hộ dân đồng loạt phản ánh trên mạng xã hội thông tin nước sạch của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có mùi lạ. Chiều 11-10, các cơ quan chức năng của Hà Nội vào cuộc lấy mẫu kiểm tra nhưng phải đến chiều 15-10, sau năm ngày phát hiện sự việc, UBND TP Hà Nội mới chính thức đưa ra khuyến cáo với người dân là “không sử dụng nước sạch sông Đà để ăn uống”, đồng thời triển khai cung ứng nguồn nước sạch thay thế cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Khuyến cáo trên cũng được đánh giá là khá chậm chạp. Các biện pháp triển khai xử lý sự cố của cơ quan chức năng Hà Nội sau đó cũng cho thấy sự lúng túng, không có giải pháp, kế hoạch cụ thể. Chiều 15-10, tại buổi thông tin về sự cố nước sạch sông Đà, Hà Nội chỉ công bố duy nhất một đường dây nóng của Công ty Nước sạch Hà Nội để tiếp nhận, giải quyết nhu cầu nước sạch cho hơn trăm nghìn hộ dân. Và đến tối 15-10, cán bộ trực đường dây nóng trên cho biết chỉ trong vòng 4-5 tiếng, đường dây đã tiếp nhận khoảng 500 cuộc gọi, điện thoại tiếp nhận lúc nào cũng trong tình trạng phải cắm sạc.
Từ chiều 15-10, Công ty Nước sạch Hà Nội cũng chỉ huy động được bảy xe téc để cung ứng nước, trong đó có những xe téc dùng để chở nước tưới cây, vệ sinh đô thị. Phải đến ngày 16-10, các giải pháp cấp nước bài bản hơn mới được triển khai như mở thêm đường ống cấp nước; bố trí các điểm cấp nước sạch tại bốn xí nghiệp nước sạch gần khu vực bị ảnh hưởng; bố trí thêm đường dây nóng phục vụ nhu cầu nước sạch của người dân…
Trao đổi với báo chí về vụ việc sau khi làm việc với UBND TP Hà Nội chiều 16-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng mặc dù Hà Nội đã vào cuộc “tích cực hơn, phản ứng rõ ràng hơn” so với vụ cháy Rạng Đông nhưng cũng phải mất mấy ngày mới đưa ra khuyến cáo cho người dân. Đến nỗi ông phải thốt lên: “Kể ra khuyến cáo cho người dân sớm hơn thì tốt. Khi mà báo chí thông tin thì Thủ tướng mới biết đấy chứ”.
Hà Nội là một đô thị lớn, đông dân với rất nhiều vấn đề nảy sinh và có thể trở thành sự cố gây lo lắng, hoang mang cho người dân bất cứ lúc nào. Trong cả hai vụ việc trên, người dân chỉ cần chính quyền sớm đưa ra những thông tin, cảnh báo kịp thời để họ có biện pháp tự ứng phó, chứ không phải những khuyến cáo đưa sau 5-7 ngày.