Bệnh bụi phổi silic đang gây ra những nỗi đau lớn cho gia đình những thợ mỏ làm việc trong môi trường bụi nghẹt thở, thường không có gì ngoài một chiếc khăn để che mặt.
Một đêm, không lâu sau khi Chang Dexiu kết hôn và chuyển đến một vùng hẻo lánh ở Tây Nam Trung Quốc vào năm 2003, cô nghe thấy tiếng pháo nổ hai lần trong vòng nửa giờ.
Bắn pháo hoa là một truyền thống tại làng Ganmi ở tỉnh Tứ Xuyên để thông báo về cái chết của một người nào đó trong làng.
Chang hỏi chồng cô, Zhong Zhong, điều gì đã giết chết những người đó và câu trả lời của anh đã thay đổi thế giới của cô. ”Bụi phổi”, anh Zhong nói, “Và anh cũng bị”.
Đó là lần đầu tiên Chang Dexiu, hiện 43 tuổi, nghe nói về bệnh bụi phổi silic. Chồng cô và nhiều đàn ông khác trong làng mắc bệnh vì làm việc ở mỏ chì và kẽm. Các nhà hoạt động xã hội nói rằng có hàng triệu người khác trên khắp đất nước Trung Quốc bị căn bệnh không thể cứu chữa này và họ cần được giúp đỡ để kiểm soát các triệu chứng. Hiện nay chính quyền Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách để giảm bớt gánh nặng cho những người bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn nhiều gia đình phải vật lộn kiếm sống vì người bệnh là trụ cột trong gia đình.
Ngay cả sau đêm bắn pháo hoa và được chồng giải thích về căn bệnh, Chang vẫn nghĩ rằng bệnh bụi phổi có thể chữa khỏi. Rồi một ngày nọ, Zhong bị cảm lạnh kéo dài và ngày càng nặng hơn. “Anh ấy đã mắc bệnh từ khi chúng tôi cưới, nhưng hồi đó thì không nặng, vì vậy tôi không thể nhận ra qua vẻ ngoài”, cô cho biết.
Zhong qua đời năm 2017, để lại cho Chang hai đứa con trai và một ngôi nhà đầy nợ nần. Người con trai sớm rời làng đi làm xa và đứa nhỏ 11 tuổi đang đi học.
Trong suốt thập niên Chang sống ở Ganmi, bệnh bụi phổi silic đã cướp đi sinh mạng của 15 người đàn ông khác trong làng, trong đó có ba trong số bốn anh em nhà Chang. Dần dần, ngôi làng Ganmi, với khoảng 1.000 cư dân, được biết đến với cái tên đầy ám ảnh – “làng góa phụ”.
Khi cụm từ “làng góa phụ” lan rộng, phụ nữ ở Ganmi trở thành mục tiêu của truyền thông và sự tò mò của cộng đồng. Năm ngoái, một blogger đã vô tình rò rỉ số điện thoại của Chang lên mạng và cô liên tục bị quấy rối điện thoại. “Nhiều người đàn ông gọi cho tôi, trêu chọc tôi có cần một người chồng”, cô kể.
Nhiều góa phụ trong làng đã tái hôn, trong đó có chị dâu của Chang nhưng cô thì chưa nghĩ đến chuyện đó. “Gia đình tôi rất nghèo, ai sẽ gánh vác thay cho tôi?”. Chang chật vật sống nhờ gạo và dầu từ một chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ và số tiền được người thân hỗ trợ.
Bụi phổi silic là một căn bệnh có nguy cơ mắc phải rất cao với những người làm việc trong môi trường bụi bặm. Bệnh bụi phổi là do bụi tích lũy trong phổi thông qua quá trình người bệnh hít thở khói bụi bẩn vào trong cơ thể thường xuyên. Nếu kích thước bụi lớn nó sẽ mắc lại ở đường thở và đào thải ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên, những hạt bụi kích thước nhỏ sẽ tiến sâu vào trong phế nang dẫn tới việc đào thải chậm hơn. Lâu dần, những hạt bụi đó tích tụ sẽ gây nên bệnh bụi phổi. Ngoại trừ tiến hành cấy ghép phổi, không có cách chữa trị căn bệnh này, mặc dù việc chăm sóc có thể kéo dài cuộc sống của bệnh nhân.
Năm 2002, Trung Quốc đã thông qua luật yêu cầu chủ lao động cung cấp hỗ trợ y tế và sinh hoạt cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.
Các quan chức y tế Trung Quốc ước tính rằng tới cuối năm 2018, có 975.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp và 90% trong số đó, tương đương 873.000, là các ca bị bụi phổi. Tuy nhiên, Daai Qingchen, một tổ chức trợ giúp những người mắc bệnh này, nói rằng con số thực sự cao hơn nhiều – ít nhất là 6 triệu công nhân.
Huyện Hanyuan, nơi quản lý làng Ganmi, là nơi sinh sống của của hàng ngàn người, hầu hết là những người khai thác khoáng sản. Năm 2014, chính quyền Hanyuan bắt đầu chi trả các hóa đơn y tế và cung cấp trợ cấp sinh hoạt hàng tháng 100 nhân dân tệ (gần 3,3 triệu đồng) cho những người được chẩn đoán chính thức mắc bệnh nghề nghiệp.
Nhưng không phải tất cả các công nhân bị bệnh đều được hưởng những phúc lợi này – một số người đã không ký hợp đồng thỏa đáng và không thể chứng minh rằng họ đang làm việc tại các mỏ, hoặc một số mỏ đã thay đổi quyền sở hữu, đồng nghĩa thay đổi người chịu trách nhiệm pháp lý.
Năm 1991, Luo Qingyu, 19 tuổi, háo hức muốn kiếm tiền để mua nhà, cưới vợ. Giống như nhiều người bạn của mình, anh xin vào làm việc tại mỏ chì kẽm ở Wusihe, cùng huyện Hanyuan, Tứ Xuyên. Các mỏ quá bụi đến nỗi mọi người không thể nhìn thấy nhau và vào cuối mỗi ca, mũi thợ mỏ đều tắc nghẹt các hạt mịn.
Các thợ mỏ không biết rằng bụi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và chỉ tự bảo vệ bằng một chiếc khăn bịt mặt. Vài năm sau, nhiều dân làng bắt đầu bộc lộ các triệu chứng, khởi đầu là ho dai dẳng, rồi sốt và đau ngực.
Luo và một số người khác bị hết hạn bảo hiểm và buộc phải tự trang trải chi phí y tế của mình. Anh qua đời hôm 11/10 vừa qua tại một khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Trước cái chết của Luo, vợ của anh, Zhu Zhongfen, nói rằng điều ước duy nhất của chị là được nhà nước chi trả các hóa đơn y tế và chi phí sinh hoạt.