Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, tổng kết, đánh giá hơn 15 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) thời gian qua cho thấy chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã mang lại những kết quả quan trọng, cụ thể như sau: Góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích hình thức kinh tế trang trại, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường.
Trong giai đoạn từ 2003 – 2010 theo Nghị quyết số 15/2003/QH11: Tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn, giảm bình quân khoảng 6.049.112 ha/năm; tổng số thuế miễn, giảm bình quân là 3.268,5 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn từ 2011 – 2016 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12: Tổng số thuế miễn, giảm là 6.308,3 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn từ 2017 – 2018 theo Nghị quyết số 28/2016/QH14: Tổng số thuế miễn, giảm bình quân là 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Việc liên tục mở rộng đối tượng và diện tích đất được miễn, giảm thuế SDĐNN từ 2003 đến nay đã góp phần mang lại sự ưu đãi hợp lý đối với những đối tượng sử dụng nhiều đất vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Từ những phân tích nêu trên, Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội bổ sung dự án Nghị quyết về miễn thuế SDĐNN vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Mục tiêu, nội dung chính của Nghị quyết
Để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích kinh tế trang trại; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với các đối tượng như quy định hiện hành tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2030 (trong đó có hoàn chỉnh lại một số câu chữ cho phù hợp với quy định của Luật đất đai 2013), cụ thể như sau:
“1. Miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm mà chưa chuyển sang thuê đất.
2. Miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.
3. Miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo, cộng đồng dân cư.
4. Miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây: a) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất; b) Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; c) Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
Miễn thuế SDĐNN đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
Tổ chức được Nhà nước giao đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế”.
Với đề xuất miễn, giảm thuế SDĐNN cho giai đoạn 2021-2030 như quy định hiện hành thì số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Đây sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Miễn thuế SDĐNN trong 10 năm
Về thời hạn miễn thuế SDĐNN: Dự thảo đề xuất thời gian miễn thuế SDĐNN là 10 năm (từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2030).
Việc đề xuất miễn thuế trong vòng 10 năm là hợp lý vì: Trong 10 năm tới đời sống nông dân mặc dù sẽ được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội. Thời hạn 10 năm có ý nghĩa về mặt chính trị, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm. Ngoài ra, miễn thuế trong giai đoạn 10 năm cũng tương ứng và phù hợp với các điều kiện cam kết về hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần hỗ trợ cho người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.