Doanh nghiệp kiến tạo hạnh phúc quốc gia

Một quốc gia càng có nhiều doanh nghiệp hạnh phúc thì sẽ dễ dàng tiến đến mô hình quốc gia hạnh phúc…

Ảnh: shutterstock.com

Kể từ năm 1971, Bhutan, một quốc gia nhỏ bé quyết định loại bỏ chỉ số Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và thay thế bằng một chỉ số mới là GNH (Gross National Happiness – Tổng Hạnh phúc Quốc dân), rất nhiều chuyên gia kinh tế sững sờ. Bởi vì, không coi trọng giá trị kinh tế, Bhutan xem việc đảm bảo chất lượng đời sống tinh thần – thể chất, văn hóa – xã hội của người dân, bảo vệ tài nguyên – môi trường của quốc gia… làm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đến nay, Bhutan vẫn kiên trì khảo sát chỉ số GNH 5 năm một lần.

Ảnh: shutterstock.com

Khi GDP cạnh tranh cùng GNH

Gần 50 năm kiên trì theo đuổi GNH, kết quả mà Bhutan nhận được khiến thế giới ngưỡng mộ. Tuy chỉ có hơn 700.000 dân, nằm kẹp giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng Vương quốc Bhutan được biết đến như quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và được coi là một trong những quốc gia xanh nhất hành tinh. Bhutan nay là quốc gia duy nhất có mức khí thải carbon âm với 72% diện tích được che phủ bởi rừng, sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% thực phẩm hữu cơ vào năm 2020. Cựu Thủ tướng Bhutan, ngài Tshering Tobgay khẳng định: “Phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng sự phát triển không thể có được từ việc làm tổn hại môi trường tự nhiên của đất nước”.

Ngài Tshering Tobgay, sinh năm 1965, giữ chức Thủ tướng Bhutan từ năm 2013-2018. Ngài có mặt tại Việt Nam trong một sự kiện đặc biệt về chủ đề Chỉ số hạnh phúc có quan hệ thế nào với GDP, do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư và Câu Lạc bộ Lãnh đạo Top 50 tổ chức tại TP.HCM. Sự kiện này thu hút lãnh đạo của các công ty trong Top 50 tham dự với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn về trách nhiệm của những người làm kinh doanh, sản xuất đối với việc kiến tạo một xã hội hạnh phúc, lan tỏa từ những doanh nghiệp hạnh phúc, nhân viên hạnh phúc.

Các doanh nghiệp đều chia sẻ tầm nhìn về nền tảng phát triển bền vững tại Việt Nam.

Chia sẻ tại sự kiện này, ngài Tshering Tobgay cho biết, GNH là một đích đến chứa nhiều thách thức. Trên thực tế, bài học từ thành công của Bhutan được thế giới nhìn nhận nhưng không nhiều quốc gia có thể ứng dụng mô hình tương tự. Bởi vì, hạnh phúc là khái niệm không có thước đo chung cho các dân tộc. Trong bối cảnh đời sống vật chất lên ngôi, ở tầm quốc gia, đích đến này đòi hỏi sự can đảm rất lớn từ những người điều hành. “Kinh tế vẫn là giá trị quan trọng. Trước khi có được một quốc gia hạnh phúc thì đất nước rất cần những doanh nghiệp hạnh phúc, nơi người lao động thực sự hài lòng với môi trường làm việc, nơi người chủ doanh nghiệp có thể đóng góp cho sự phát triển và bảo tồn các giá trị bền vững của môi trường, xã hội”, ngài Tshering Tobgay cho biết.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc góp phần bảo vệ sự bền vững của thế giới, bảo vệ màu xanh tự nhiên nhưng chưa biết tích hợp các giá trị ấy vào chính hoạt động của tổ chức mình đang vận hành. Cựu Thủ tướng Bhutan khẳng định: “Một quốc gia càng có nhiều doanh nghiệp hạnh phúc thì sẽ dễ dàng tiến đến mô hình quốc gia hạnh phúc”.

Sức mạnh của hạnh phúc

Như một quốc gia thu nhỏ, doanh nghiệp là đơn vị có tổ chức, có phân quyền và có cả những phận người gắn với sự phát triển của nó. Để hình thành một doanh nghiệp hạnh phúc, trước tiên, phải có những người lao động hạnh phúc. Theo ngài Tshering Tobgay, con người, dù có khác nhau về nhu cầu nhưng đều có điểm chung là sẽ hài lòng với cuộc sống khi thỏa mãn được 3 yếu tố: an toàn (safety), có bản sắc cá nhân (personality) và có mục đích sống (life goals). Nếu doanh nghiệp đáp ứng được 3 nhu cầu này thì niềm tin từ phía người lao động sẽ hình thành, dẫn theo đó là cam kết gắn bó lâu dài, cùng nhau xây dựng mục tiêu chung. “Khi đó, doanh nghiệp sẽ mặc nhiên có hiệu suất làm việc cao hơn, khả năng phát triển bền vững hơn”, cựu Thủ tướng Bhutan nói.

Một nghiên cứu do Công ty McKinsey thực hiện cho thấy, khi nhân viên cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với công việc sẽ giúp doanh nghiệp có thể tăng trải nghiệm cho khách hàng. Và điều này mang khách hàng gắn kết với doanh nghiệp lâu dài hơn, đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp. “Hạnh phúc của người lao động chính là nền tảng đầu tiên để xây dựng mô hình doanh nghiệp hạnh phúc. Khi nhân viên hạnh phúc, người điều hành cũng sẽ an tâm hơn với công tác của mình”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhận xét tại buổi gặp gỡ Ngài Tshering Tobgay.

Ba mươi năm trước, khi tiếp nhận công tác điều hành PNJ, bà Dung cho biết, điều làm bà bất an nhất là mức sống của nhân viên thấp, khiến họ không thể tập trung làm việc. Đặt mục tiêu có được một doanh nghiệp phát triển, nỗ lực đầu tiên bà quyết tâm thực hiện là cải thiện đời sống nhân viên, đảm bảo cho từng người lao động an tâm với công việc hiện tại. Sau nhiều năm kiên định với con đường này, PNJ đã có được một đội ngũ nhân lực toàn tâm gắn kết. “Nhân viên PNJ cùng chung mục tiêu là phải làm cho Công ty phát triển tốt, bởi họ được phát triển cùng. Nhờ đội ngũ vững niềm tin này sau lưng, tôi vững tâm, tự tin hướng PNJ đến những đóng góp chung cho các hoạt động hướng đến sự bền vững của môi trường”, bà Dung chia sẻ.

Đặt khách hàng lên hàng đầu, ngay sau đó là đời sống của nhân viên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, cho rằng không quá khó để xây dựng định hướng và phấn đấu để vận hành doanh nghiệp hạnh phúc. Bởi vì, khi đã xác định đi theo con đường này, mục tiêu của nhà điều hành doanh nghiệp vốn đã được hình thành, là mang đến hạnh phúc cho nhân viên, tạo bền vững cho doanh nghiệp. Ông chủ của doanh nghiệp đang có gần 40.000 nhân viên khẳng định: “Tôi thực sự tin vào sức mạnh của hạnh phúc. Khi nhân viên hạnh phúc, họ sẽ tạo nên những giá trị lớn hơn. Tuy nhiên, người không vui thì khó thể nào mang lại niềm vui cho người khác. Do đó, yếu tố đầu tiên và gần như quan trọng nhất là người lãnh đạo phải tìm được hạnh phúc cho mình”.

Để đảm bảo hạnh phúc cá nhân, theo ông Tài, điều doanh nhân cần nhất là sức khỏe. Kế đó, bên cạnh thời gian dành cho công tác vận hành doanh nghiệp, người lãnh đạo phải có đủ thời gian cho bản thân và gia đình. Cân bằng được các yếu tố này chính là con đường để hạnh phúc đến thăm.

Đo chỉ số hạnh phúc có dễ dàng?

Đối chiếu kết quả kinh doanh và phúc lợi nhân viên của các công ty thành viên, bà Nguyễn Trà My, Tổng Giám đốc Công ty PAN Group, một tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu tỉ đô trong năm 2022, cho biết, hạnh phúc của nhân viên chính là thước đo cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, con đường này khá nhiều thách thức, nhất là với doanh nghiệp có số lượng nhân viên lớn. Hiện PAN Group đang nỗ lực theo đuổi giá trị ấy nhưng vẫn cần thêm nền tảng để hạnh phúc có thể hiện diện trong doanh nghiệp. “Khó nhất là công tác đo lường mức độ hạnh phúc của nhân viên. Rõ ràng, đây cũng chỉ là vấn đề cảm tính, doanh nghiệp cần có bộ công cụ cụ thể để đo lường các giá trị vô hình này”, bà My cho biết.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Cơ Điện Lạnh (REE), cho rằng, chính việc dư thừa hàng hóa, vật chất khiến con người đang rất khó hạnh phúc. Bản thân mỗi người cũng có những cung bậc hạnh phúc khác nhau nên rất cần một quy chuẩn chung để doanh nghiệp có thể đo lường giá trị này. “Để chuẩn bị cho việc xây dựng doanh nghiệp hạnh phúc, trước tiên, người điều hành cần cổ vũ cho thông điệp “Dùng ít, tiêu thụ theo đúng nhu cầu”, góp phần gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước và bầu khí quyển”. Theo vị nữ doanh nhân này, một khi có được ý thức chung về việc gìn giữ sự bền vững, tiết chế phụ thuộc vật chất thì tập thể doanh nghiệp cũng dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc hơn.

Tin tưởng vào khả năng tổng hòa các nhu cầu để đưa ra được thước đo chung cho chỉ số hạnh phúc của doanh nghiệp, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dragon Capital, nhà đầu tư tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, cho rằng, việc xây dựng thước đo giá trị hạnh phúc cho doanh nghiệp có thể tham khảo các chỉ số từ quốc gia hạnh phúc Bhutan. Trong đó, nền tảng đầu tiên là những giá trị cơ bản như chất lượng sống, sức khỏe, giáo dục, thời gian làm việc, triết lý sống, kết nối cộng đồng… nâng cao hơn là các giá trị xã hội như bộ máy chính quyền, khả năng thích ứng, khả năng chấp nhận với hoàn cảnh sống khác nhau, sự kiên cường… Tất nhiên, không thể phủ định sự phức tạp của công tác đo lường này.

Các nhà hành pháp ở Bhutan gọi GNH là một bài tập lớn của họ bởi mỗi lần đo lường chỉ số hạnh phúc đều tốn thời gian và công sức. Trong cuộc khảo sát chỉ số GNH năm 2015, Bhutan đưa ra 33 chỉ số, 149 câu hỏi. Trung bình, một người dân mất khoảng một tiếng rưỡi để hoàn thành. Cuộc khảo sát năm 2010 thậm chí còn đòi hỏi nhiều công sức hơn khi chính quyền đưa ra 249 câu hỏi và mỗi vấn đề, người dân phải mất 4 giờ để thực hiện.

“Phức tạp nhưng nếu không nghiêm túc trong việc đo lường các giá trị theo thang điểm chung thì sẽ khó mà có được kết quả chính xác bởi chúng ta không thể so sánh hạnh phúc của người này so với người kia”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, khẳng định. Theo chuyên gia kinh tế này, nếu thực hiện tốt việc khảo sát mức độ hạnh phúc của nhân viên, doanh nghiệp sẽ có nền tảng để hoạch định tốt chiến lược nhân sự, tiến đến giá trị phát triển bền vững cho mình.

Kiên trì theo đuổi GNH, Bhutan gần như là quốc gia duy nhất vững vàng trước những khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên… Trong vòng 20 năm trở lại đây, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan được tăng gấp đôi, 100% trẻ em được tới trường, người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế và giáo dục hoàn toàn miễn phí… Trong 30 năm, nền kinh tế Bhutan tăng trưởng từ 284 triệu USD lên 2,6 tỉ USD.

Nếu GNH “so găng” với GDP, rõ ràng, Bhutan đã chứng minh thước đo nào giúp cho con người, đất nước có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên, bản thân các nhà điều hành quốc gia này cũng cho biết, họ đang phải tính toán sát sao để có thể gồng gánh chi phí gìn giữ màu xanh cho đất nước. Khi câu chuyện chưa nâng được lên thành chính sách phát triển cho cả một đất nước, theo ngài Tshering Tobgay, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp là trở thành từng tế bào hạnh phúc. “Đây sẽ là điều kiện cần thiết cho việc xây dựng quốc gia hạnh phúc, vững bền. Ngay từ khi còn đương nhiệm, tôi đã theo đuổi con đường này và sẽ tiếp tục chia sẻ thông điệp ấy để nuôi giấc mơ nhân rộng mô hình quốc gia hạnh phúc mà Bhutan đã thành công”, cựu Thủ tướng gửi thông điệp đến các doanh nghiệp Việt Nam.