Muốn đánh giá chất lượng nguồn nước thường phải xét đến chỉ tiêu vi sinh vật, chỉ tiêu kim loại nặng và chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật chứ ít khi tính đến chất Styren.
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khi nói về sự kết quả chất Styren vượt ngưỡng cho phép trong nước sinh hoạt vừa đưa ra đang làm người dân lo lắng.
Về thông tin hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3- 3,65 lần vừa đưa ra, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: “Đánh giá chất lượng nguồn nước không dựa trên chỉ tiêu Styren, vì Styren là dạng hợp chất hữu cơ, không màu, không tồn tại lâu trong nước, và không ai lấy Styren để đánh giá nguồn nước”.
Cũng theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, nếu để đánh giá chất lượng nguồn nước theo thành phần hóa học thì trước tiên phải đánh giá về chỉ tiêu vi sinh vật, chỉ tiêu kim loại nặng, chỉ tiêu ô nhiễm về thuốc bảo vệ thực vật… chứ không chỉ đánh giá chỉ số Styren.
Theo đó, bằng cảm quan, người dân có thể tự kiểm tra chất lượng nước tại nhà nhanh nhất đó là thông qua mùi, vị và màu. Cụ thể, nếu thấy nước có mùi lạ, vị lạ, màu có khác thường là có vấn đề. Nếu tất cả các yếu tố trên đều có sự bất thường thì tốt nhất người dân không nên sử dụng mà báo ngay cho cơ quan chức năng để sớm có biện pháp xử lý, qua đó tiến hành kiểm tra để khắc phục tình trạng này.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết: Hiện chưa có tài liệu chính thống nói về chất Styren ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Có tài liệu cho thấy, hàm lượng nước đóng chai cho phép không quá 100cmg/lít Styren, nếu phơi nhiễm Styren với hàm lượng 100mcg trong thời gian dài không ảnh hưởng đến sức khỏe… Tuy nhiên, sau khi Sở Y tế Hà Nội giám sát mẫu nước của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, cho kết quả hàm lượng chất Styren vượt ngưỡng, có thể khẳng định chất lượng nước sinh hoạt như mẫu không đảm bảo chất lượng.
Sở Y tế Hà Nội đã họp với các chuyên gia Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và môi trường, Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) thống nhất sẽ giám sát toàn diện hơn, lấy mẫu nhiều hơn ở cả nhà máy, đường ống, trong hộ gia đình để có xét nghiệm, giám sát chặt chẽ hơn nữa về chất lượng nước.