Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch và xu hướng của tương lai, nhưng để tận dụng và thu hút nguồn đầu tư cần có sự tính toán, quy hoạch ngành một cách bài bản hơn.
Thời gian gần đây, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được nêu tên trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, điều này thực sự mang tính báo động và gây lo lắng cho người dân.
Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là do có sự tham gia của các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, các xí nghiệp công nghiệp trong nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải rắn hay sự phát thải của các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh lân cận….
Hơn lúc nào hết, yêu cầu về phát triển nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm cho hiện tại và tương lai lại trở nên bức thiết.
Trước đây nhiều năm, nhận thức được nhu cầu năng lượng cần thiết cho phát triển kinh tế cũng như khuyến khích huy động mọi nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ đã có Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Cùng với quyết định này và các chính sách khuyến khích về giá khác cho điện mặt trời và điện gió, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo đã được đầu tư vào Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm bài Năng lượng tái tạo: Đột phá để thay đổi nhằm gửi đến độc giả những góc nhìn về xu hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, những hệ lụy đang xảy ra tại các địa phương cũng như các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn năng lượng thân thiện này.
Bài 1: Xu hướng năng lượng “xanh”
Trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao cho phát triển kinh tế – xã hội, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt và khai thác quá mức gây hại đến môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cuộc sống con người thì xu hướng năng lượng “xanh” đang trở nên phổ biến và là nguồn bù đắp điện thiếu hụt quan trọng.
Tuy nhiên, sự đầu tư “thần tốc” của các dự án năng lượng tái tạo vượt mức quy hoạch đang gây ra nhiều hệ lụy lên hệ thống điện, truyền tải, giải phóng mặt bằng…
Nhiều chuyên gia cho rằng, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch và xu hướng của tương lai, nhưng để tận dụng tối đa và thu hút thêm nguồn đầu tư cần có sự tính toán, quy hoạch ngành một cách bài bản hơn.
Bù đắp thiếu hụt
Theo giả thiết đưa ra từ Bộ Công Thương, những năm tới, một số nguồn điện quan trọng đang có nguy cơ chậm tiến độ như các dự án đang thi công Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1; các dự án điện khí chuẩn bị đầu tư như Dung Quất 1, 2, 3; Miền Trung 1, 2 và Ô Môn 3, 4 do gặp một số vướng mắc, sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu điện.
Tính toán từ Bộ này cũng cho thấy, trong giai đoạn 2020-2025, với 2 kịch bản: Trường hợp tần suất nước bình thường (50%) đã xuất hiện khả năng thiếu hụt điện năng trong hệ thống điện với sản lượng khoảng 264 triệu kWh vào năm 2020 và gần 1,8 tỷ kWh năm 2023.
Các nhà máy nhiệt điện trên toàn quốc vận hành với số giờ trên 6.500h/năm trong giai đoạn từ 2020-2024, tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Với kịch bản tần suất nước 75%, thiếu hụt điện năng sẽ xảy ra các năm từ 2019-2025, tập trung ở các năm từ 2020-2023 với sản lượng thiếu hụt từ 1,5-5 tỷ kWh , các năm còn lại thiếu hụt từ 100-500 triệu kWh. Khu vực có nguy cơ thiếu điện tập trung tại miền Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, để đảm bảo nguồn cung cấp điện trong giai đoạn 2020-2025 tại miền Nam, huy động phát triển nguồn điện mặt trời và điện gió với ưu thế đầu tư, lắp đặt nhanh chóng sẽ là giải pháp hiệu quả để bù đắp lượng điện năng thiếu hụt tại khu vực này.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, mục tiêu của Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) tới năm 2025, Việt Nam cần có 90.000 MW công suất điện và sản lượng điện phát ra trên dưới 400 tỷ kWh/năm.
Tới năm 2030, cần có từ 120.000-130.000 MW công suất, sản lượng điện trên 570 tỷ kWh, chưa nói tầm nhìn đến năm 2050.
“Nếu chúng ta không có những đột phá mới, những giải pháp tích cực thì nguy cơ thiếu điện những năm từ 2019 – 2020 và cũng như những năm sau đó là rõ ràng.”, ông Ngãi nói.
Về tình trạng nhiều dự án điện chậm tiến độ; nguồn cung ứng về than, khí cho sản xuất điện gặp khó, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo-điện sạch sẽ là giải pháp của tương lai, đóng góp và giải quyết đáng kể cho nguy cơ thiếu điện của đất nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Tính tới nay, điện mặt trời và điện gió là hai nguồn năng lượng tái tạo chính được đưa vào vận hành thương mại với mức công suất lần lượt hơn 4.500 MW và khoảng 630 MW, chiếm gần 10% tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia, vượt xa mục tiêu đặt ra tới năm 2020.
Ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, nhờ yếu tố thuận lợi, điện mặt trời đã hỗ trợ tích cực cho hệ thống.
Với công suất tối đa ghi nhận 3.519 MW, sản lượng điện mặt trời phát ra 25 – 26 triệu kWh đã tương đương 1 nhà máy điện than có công suất 1.200 MW như Vĩnh Tân 1, 2, Duyên Hải 1…
Bên cạnh việc đảm bảo thêm nguồn cung năng lượng, năng lượng tái tạo cũng đang là xu hướng phát triển để hướng tới sản xuất xanh không chỉ tại Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, nhu cầu chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là rất cấp bách để tránh các tác động tới môi trường và xã hội. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội chuyển đổi trong điều kiện phát triển công nghệ như hiện nay.
Cuộc đua điện sạch – lưới truyền tải
Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, sản lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới trước ngày 30/6/2019 sẽ được mua với giá 9,35 cent/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh.
Với chủ trương này, hàng loạt dự án điện mặt trời đã đầu tư nhanh chóng vào Việt Nam, cung cấp lượng điện năng không nhỏ cho hệ thống điện Quốc gia trong mùa khô năm nay theo như nhận định của EVN.
Tuy nhiên, thực tế lưới điện để tiếp nhận nguồn công suất trên lại không thể theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của các dự án điện mặt trời.
Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đặt ra đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 850 MW công suất điện mặt trời. Nhưng đến nay, chỉ riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Hay như tỉnh Bạc Liêu – tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo với số giờ nắng hầu như quanh năm, đạt 2.200 – 2.700 giờ/năm, giá trị bức xạ đạt trên 4,8kWh/m2/ngày.
Hiện tỉnh đã có 120 hộ đầu tư lắp điện mặt trời áp mái với tổng công suất 650 kWp và nhiều dự án tiếp tục đề xuất ước tính với tổng công suất khoảng 50.000 kWp.
Tỉnh này cũng có tới 24 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4.450 MW; trong đó, có 22 dự án cần phải tính toán giải tỏa công suất với tổng công suất hơn 4.350 MW.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, hiện tỉnh cũng chưa có lưới điện 500 kV để truyền tải các dự án điện gió cũng như dự án điện khí dầu mỏ hóa lỏng Bạc Liêu công suất 3.200 MW.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho hay, việc quá tải hệ thống lưới truyền tải đã buộc A0 phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện Quốc gia.
Việc quá tải lưới điện đã được EVN/A0 cảnh báo tới các chủ đầu tư, rất công khai, minh bạch. Việc phải giảm công suất do quá tải lưới điện là điều mà EVN/A0 không hề mong muốn.
Đầu tư thế nào cho hiệu quả?
Để triển khai đầu tư một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí trong thời gian ngắn hơn.
Trong khi đó, một dự án lưới điện truyền tải từ 220 – 500 kV phải triển khai tới 3 – 5 năm, với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Đây là cuộc đua không “cân sức” giữa năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải.
Theo TS. Vũ Thắng, Trưởng đại diện mảng Quang điện & Lưu trữ Năng lượng của Công ty Năng lượng Sungrow, hầu hết việc sa thải công suất các nhà đầu tư điện mặt trời đã được biết và đánh giá được ở mỗi vùng, địa bàn khi đầu tư.
Vậy việc quan trọng nhất để tránh quá tải, là nhà đầu tư hãy hướng các dự án ra khỏi những “điểm nóng” như Ninh Thuận mà vẫn có thể đạt được lượng bức xạ hay gió gần tương đương, đủ đem lại hiệu quả kinh doanh.
Ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng Alena cho biết, ngoài việc lựa chọn vùng để đầu tư hợp lý thì đầu tư cho điện mặt trời áp mái cũng là giải pháp để tránh những vướng mắc trong việc truyền tải.
Thực tế, trong suốt thời gian qua, EVN đã đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải, đồng thời làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.
Tuy nhiên, hiện nhiều dự án giải tỏa công suất nguồn điện trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng…
Lãnh đạo tập đoàn này khẳng định, bằng mọi cách sẽ giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời vào cuối năm 2020.
Trước mắt, 2 năm tới, tập đoàn này sẽ tập trung đầu tư lưới điện để ưu tiên tối đa các dự án điện mặt trời.
Mới đây, Tập đoàn này cùng các đơn vị đã ký cam kết thi đua xây dựng các dự án đường dây 500 kV mạch 3 để truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch lên hệ thống điện Quốc gia; đồng thời, tăng cường năng lực truyền tải lưới điện 500 kV liên kết các miền của hệ thống điện Quốc gia. Từ đó, góp phần quan trọng bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam giai đoạn tới. Các dự án này có tổng mức đầu tư hơn 11.949 tỷ đồng.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, về phát triển điện mặt trời thời gian tới, để tránh rơi vào tình trạng đầu tư ồ ạt, bị động như hiện tại, cần tính toán kỹ lưỡng cho ra đời quy hoạch điện
Đặc biệt, khi đã có quy hoạch thì cần làm đúng nội dung đã vạch ra. Chính phủ, Bộ Công Thương đóng vai trò mấu chốt. “Xét đến cùng, Chính phủ, Bộ Công Thương phải kiên quyết trong vấn đề này”, TS. Nguyễn Mạnh Hiến bày tỏ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực vào đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, đáp ứng yêu cầu truyền tải điện, đặc biệt là lưới điện đấu nối giải tỏa công suất các nhà máy điện vào hệ thống điện Quốc gia.
Cùng với đó, Bộ này cũng đang tiến hành xây dựng Quy hoạch Điện VIII; trong đó, sẽ có riêng 1 chương về cơ chế chính sách về vốn, đấu thầu dự án điện, đặc biệt là lưới truyền tải…
Hy vọng, tháng 6/2020 sẽ có dự thảo lần 1 của quy hoạch này để lấy ý kiến, giải quyết các vấn đề vướng mắc của ngành.