Theo các chuyên gia, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM ) chỉ được thế giới coi là công cụ dự báo tác động môi trường. Nhưng tại Việt Nam theo quy định hiện nay đã gộp quá nhiều thứ, ôm đồm quá nhiều thứ và bao gồm cả vòng đời dự án, dẫn đến việc thực hiện ĐTM còn nhiều bất cập, tính khả thi chưa cao.
Nhiều bất cập
Đánh giá tác động môi trường là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án. Đây là một yêu cầu không thể thiếu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình quyết định đầu tư và phê duyệt dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện ĐTM hiện còn nhiều bất cập, chất lượng ĐTM nhiều dự án hiện còn thấp, biện pháp bảo vệ môi trường thiếu tính khả thi.
Thực tế đã có nhiều vụ việc cho thấy rõ những bất cập trong thực hiện ĐTM thời gian qua. Vài năm trước, dư luận xôn xao khi Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân nhưng ĐTM của dự án lại… giống hệt dự án Công viên Vĩnh hằng. Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hậu Giang) tiềm ẩn nhiều nguy cơ “bức tử” sông Hậu, ảnh hưởng lớn đến môi trường nhưng vẫn được phê duyệt ĐTM. Và năm 2017, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, với quy mô dự án lớn nhưng ĐTM được thực hiện rất sơ sài…
TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ĐTM được thế giới coi là công cụ dự báo tác động môi trường và đã là dự báo thì không thể chính xác 100%. Không có ĐTM nào phê duyệt xong là cứ thế triển khai, bởi ĐTM chỉ là kết quả dự báo, còn sau khi doanh nghiệp quyết định đầu tư còn rất nhiều thứ thay đổi. Lúc đó mới có các thông tin cụ thể mới làm vấn đề môi trường được.
Theo thông lệ quốc tế, chi phí để lập một báo cáo ĐTM thường chiếm từ 1 – 3% so với tổng kinh phí của một dự án nhưng ở Việt Nam, có những dự án đầu tư trị giá đến hàng chục tỷ đồng, nhưng chi phí thực hiện ĐTM thậm chí chỉ là vài chục triệu đồng thì khó có thể đáp ứng một loạt các yêu cầu khảo sát và đo đạc chỉ tiêu môi trường ở các khu vực dự án cụ thể.
TS Nguyễn Khắc Kinh nêu ví dụ, đối với một dự án tương đương dự án thủy điện Hòa Bình, quốc tế sẽ phải tiêu tốn 5 triệu USD trong khoảng 5 năm để thực hiện ĐTM. Thế nhưng ở Việt Nam chỉ chi khoảng 700 triệu đến 800 triệu đồng và thực hiện trong thời gian 2 tháng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, theo quy định, báo cáo ĐTM là công cụ dự báo được làm ở giai đoạn chuẩn bị dự án nên thông tin về dự án mới sơ bộ, chưa có thiết kế xây dựng, thiết kế kỹ thuật chi tiết. Tuy nhiên, báo cáo ĐTM lại có một số yêu cầu chi tiết, cụ thể về công nghệ sản xuất và các tác động đến môi trường, các biện pháp công nghệ,công trình hạ tầng bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong suốt đời dự án. Vì vậy, tình trạng báo cáo ĐTM thiếu số liệu và chất lượng kém khá phổ biến.
Quản lý theo từng giai đoạn dự án
Ông Mai Thế Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Môi trường đánh giá, những bất cập trong việc quản lý môi trường bằng ĐTM đã được nói rất nhiều, rất rõ những năm qua. Nhiều doanh nghiệp thuê các tư vấn không có kinh nghiệm chuyên môn chuẩn bị nên dữ liệu thông tin thiếu và kém đó lại trở thành cơ sở cho công cụ quản lý toàn bộ dự án, là cơ sở để thanh tra, kiểm tra trong suốt vòng đời dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đưa ra Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 2/2020. Một trong những nội dung lớn trong bộ luật này được sửa đổi là thay đổi vai trò của báo cáo ĐTM. ĐTM chỉ còn giá trị đến khi xây dựng, vận hành dự án. Thay vì quyết định phê duyệt ĐTM, cơ quan chức năng đang cân nhắc việc ban hành văn bản chấp thuận ĐTM. Dự kiến, các dự án đầu tư được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm, quy định về ĐTM khác nhau.
Với dự án nhóm A (dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất) phải thực hiện quy trình ĐTM đầy đủ gồm đánh giá tác động sơ bộ trước khi phê duyệt đầu tư, đánh giá chi tiết trong giai đoạn xây dựng dự án. Với dự án nhóm B (có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng) sẽ ĐTM ở giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư. Với dự án nhóm C (ít gây ô nhiễm môi trường) chỉ cần đánh giá môi trường sơ bộ. Với dự án nhóm D ( không gây tác động môi trường) thì không cần làm ĐTM.
Hiện nay, doanh nghiệp đang chịu nhiều thủ tục môi trường như giấy phép xả thải, sổ chủ nguồn thải, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Dự kiến trong luật mới, khi xây dựng và vận hành dự án sẽ áp dụng công cụ giấy phép môi trường tất cả sẽ tích hợp chung vào giấy phép bảo vệ môi trường.
TS Hoàng Dương Tùng, chuyên gia môi trường nhận định, nếu trả ĐTM về đúng vị trí của nó và bổ sung các công cụ khác phù hợp với từng giai đoạn của dự án sẽ là đột phá trong quản lý môi trường ở Việt Nam. Việc áp dụng giấy phép môi trường khi đã có đầy đủ hồ sơ thiết kế chi tiết sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý hiệu quả hơn, thực tế hơn, tiệm cận dần cách quản lý tiên tiến của thế giới.
Một dự án chỉ lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường
Nghị định 40/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/7/2019. Nghị định này bổ sung thêm nội dung quy định số lượng và thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vào Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP. Cụ thể, một dự án đầu tư chỉ lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Chủ dự án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước các thời điểm sau đây:
– Đối với dự án khai thác khoáng sản, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định để cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản;
– Đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ;
– Đối với dự án đầu tư xây dựng, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước). Trường hợp dự án có cùng một cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công thì các hồ sơ nêu trên được trình đồng thời để thẩm định theo quy định;
– Đối với các dự án khác không thuộc đối tượng quy định trên, trình trước khi quyết định đầu tư dự án.