Một thiết bị nổi khổng lồ do các nhà khoa học Hà Lan thiết kế – để dọn sạch một hòn đảo rác có kích thước gấp ba lần Pháp ở Thái Bình Dương – đã lần đầu tiên gom được nhựa từ biển.
Boyan Slat, người sáng lập Dự án Ocean Cleanup cho hay giàn nổi tự do dài 600 m đã gom và giữ lại được các mảnh vỡ từ đảo rác Thái Bình Dương (Great Garbage Patch).
Khoảng 600.000 đến 800.000 tấn ngư cụ bị mất hoặc bỏ lại trên biển mỗi năm cùng 8 triệu tấn chất thải nhựa từ các bãi biển đổ vào đại dương.
Các dòng hải lưu đã gom một mảng lớn các mảnh vụn như vậy ở đoạn giữa Hawaii và California, nơi rác bị kẹt lại do các dòng chảy giao thoa thành xoáy. Khu vực này là sự tích tụ nhựa lớn nhất trong các đại dương trên thế giới.
Hệ thống làm sạch khổng lồ được thiết kế để không chỉ thu gom các tấm lưới đánh cá bị vứt bỏ và các vật thể bằng nhựa lớn có thể nhìn thấy mà còn gom cả các hạt nhựa siêu nhỏ.
Giàn chặn nhựa nổi trên mặt biển có một tấm chắn sâu ba mét phía dưới để giữ lại 1,8 tấn mảnh nhựa mà không làm xáo trộn sinh vật biển bên dưới.
Thiết bị được gắn các vệ tinh và cảm biến để kết nối vị trí với một con tàu cứ sau vài tháng sẽ tới gom rác.
Vào tháng 12 này, số lượng nhựa gom được sẽ được đưa vào bờ để tái chế. Dự án tin rằng có thị trường cho các mặt hàng được sản xuất từ nhựa thu gom từ đại dương.
Slat phát biểu: “Bây giờ, chúng ta có một hệ thống khép kín trong Great Garbage Patch đang sử dụng các lực lượng tự nhiên của đại dương để tập trung nhựa một cách thụ động… Điều này khiến chúng ta đủ tự tin vào ý tưởng chung để tiếp tục thực hiện dự án này”.
“Trong một vài năm, khi chúng ta có đủ tàu thu gom, tôi nghĩ việc sử dụng nguồn thu từ nhựa để trang trải chi phí vận hành cho hoạt động dọn sạch là khả thi”.
Kế hoạch cần thiết hiện nay là mở rộng thiết bị và làm sao để nó bền hơn nhằm giữ lại nhựa trong một năm hoặc lâu hơn trước chúng được đưa lên bờ.
Trong một thử nghiệm kéo dài bốn tháng trước đây, giàn nổi đã vỡ mà không gom được chút nhựa nào. Sau đó, những thay đổi về thiết kế đã được thực hiện, kể cả việc bổ sung một “chiếc mỏ neo hình cánh dù” để làm chậm chuyển động của thiết bị trên đại dương, cho phép các mảnh vỡ nhựa chuyển động nhanh hơn trôi vào hệ thống.
Thử nghiệm mới nhất bắt đầu vào tháng 6 khi hệ thống được hạ thủy từ Vancouver. Dự án bắt đầu vào năm 2013 và đã trải qua một số điều chỉnh quan trọng về thiết kế.
Người ta hy vọng thiết kế cuối cùng sẽ có thể dọn sạch một nửa các mảnh nhựa vụn trong Great Pacific Garbage Patch.
Nhật Anh (Theo Guardian)