Ban thư ký CITES vừa đưa ra khuyến cáo về lô gỗ trắc Madagascar trị giá 50 triệu USD bị tịch thu vào năm 2014 tại Singapore có khả năng sẽ lại xuất hiện ở thị trường chợ đen. Tháng 4 năm nay, một tòa án ở Singapore đã ra trát yêu cầu lô thả lô gỗ quý sau khi họ tha bổng cho thương nhân đưa gỗ vào nước này.
Theo đó, CITES kêu gọi các bên ký kết hiệp ước, bao gồm hầu hết các quốc gia, cảnh giác và hành động nếu lô gỗ lậu được chuyển tới nước mình.
Năm 2013, CITES đã cấm xuất khẩu gỗ trắc Madagascar (chi Dalbergia) và gỗ mun (chi Diospyros), nhưng lệnh cấm này rất khó thực thi.
Madagascar đang trong tình trạng bất ổn chính trị nên nạn khai thác gỗ trắc bất hợp pháp khá phổ biến, kể cả trong các vườn quốc gia, và các ôm trùm gỗ đua nhau dự trữ gỗ quý. Năm 2010, nước này cấm xuất khẩu gỗ trắc, tuy nhiên, các phách gỗ cũ và mới chặt vẫn được đưa vào thị trường lậu, nhất là khi sự phối hợp giữa các quốc gia đích đến của gỗ trắc còn yếu kém.
Tháng 3/2014, Cơ quan quản lý CITES Singapore tiến hành một trong những vụ tịch thu gỗ trắc lớn nhất được ghi nhận khi thu giữ khoảng 30.000 phách gỗ thuộc sở hữu của một doanh nhân tên là Wong Wee Keong và công ty Kong Hoo có trụ sở tại Singapore. Nỗ lực tiếp theo để đưa các thương nhân ra tòa kết thúc với việc Wong được tha bổng hồi tháng Tư, minh họa rõ những thiếu sót trong việc thực hiện lệnh cấm vận thương mại.
Một tòa án cho rằng Wong và Kong Hoo không phạm tội, trích dẫn bằng chứng gỗ trắc quá cảnh ở Singapore và nước này không phải là điểm đến cuối cùng. Phán quyết này đã bị đảo ngược vào năm 2017 khi tòa án kết án Wong ba tháng tù giam, phạt cả cá nhân và công ty mức tối đa 500.000 USD/đương sự.
Trong phiên phúc thẩm đầu năm nay, tòa án tối cao Singapore tuyên bố các bị cáo không phạm tội và chỉ đạo các cơ quan chức năng trả lô gỗ quý cho Kong Hoo.
“Singapore đã thất bại trong việc truy tố các bị cáo hai lần do sự can thiệp hoặc không hợp tác của chính phủ Madagascar”, theo luật sư tư vấn môi trường Mark W. Roberts, người hỗ trợ các nỗ lực buộc Kong Hoo chịu trách nhiệm buôn bán gỗ trắc.
Đảm bảo sự hợp tác của các quốc gia khác, ngay cả những nước đã ký kết Công ước như Singapore, không hề đơn giản. Việc tòa án Singapore tha bổng cho Wong để ngăn chặn nguy cơ rằng nếu kết án anh ta sẽ ảnh hưởng đến lợi ích riêng của Singapore trong vai trò là trung tâm trung chuyển lớn nhất thế giới.
Chi phí lưu trữ hàng hóa trong năm năm qua tại một cơ sở lưu trữ g tư nhân lên tới hàng triệu đô la sẽ do chính phủ Singapore chịu.
Tuy nhiên, phán quyết cũng đặt Wong vào một ràng buộc. Để chuyển gỗ ra khỏi Singapore một cách hợp pháp, cần có các tài liệu CITES từ Madagascar. Nếu không, hầu hết mọi quốc gia trên thế giới sẽ coi số gỗ này là hàng lậu.
“Các quốc gia đích đến tiềm năng của các lô hàng gỗ trức và gỗ mun bất hợp pháp từ Madagascar nên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng gỗ đó không bị vận chuyển hoặc buôn bán bất hợp pháp, bao gồm cấm nhập cảnh, thu giữ các mẫu vật đó ngay khi đến nơi”, theo lời khuyên của CITES.
Tuy nhiên, có lo ngại rằng điều này là quá muộn và loại gỗ quý sẽ vẫn được chuyển từ tàu này sang tàu khác trên biển để lách khỏi biên phòng và không bao giờ được truy vấn.