Trong vai những người có nhu cầu mua vòng tay bằng ngà voi với mục đích trừ tà cho đứa em gái yếu bóng vía, chúng tôi đã đi qua nhiều tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang… để khảo sát về thực trạng mua bán động vật hoang dã hiện nay.
LTS: Để có những món đồ trang sức phong thủy hay thần dược từ ngà voi, móng hổ, sừng tê giác… mà theo lời đồn sẽ mang lại may mắn, trừ tà, chữa ung thư, không ít người sẵn sàng chi tiền trăm bạc tỉ. Chính hành động mù quáng này khiến nhiều loài động vật như voi, tê giác… đứng trước bờ vực tuyệt chủng.
Cấm thì cấm nhưng người bán vẫn mặc sức bán. Thậm chí có người bán sẵn sàng mua bán tại nhà và đảm bảo rằng phát hiện hàng giả họ sẵn sàng đền gấp ba, bốn lần. Chưa bàn tới sản phẩm đó là thật hay giả. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là chúng tôi – những nhà báo không nhiều chuyên môn nghiệp vụ vẫn có thể tìm ra, tại sao cơ quan chức năng không phát hiện được? Nếu sản phẩm đó là giả, tại sao vẫn để chúng tung hoành lừa dối người dân?
Lần theo dấu vết
Ngày 18-9, chúng tôi có mặt ở Tây Ninh. Rất nhiều tiệm vàng bạc, đồ trang sức, đá quý bày bán sản phẩm được giới thiệu làm từ ngà voi, đuôi voi, chủ yếu là nhẫn… Nhẫn ở đây được bọc vàng nhằm tạo sự sang trọng, điểm nhấn cho món đồ trang sức. Giá trị của chiếc nhẫn còn phụ thuộc vào chất liệu và khối lượng vàng bọc nhưng thấp nhất vài trăm ngàn đồng (chưa tính tiền vàng bọc), nếu có vàng bọc giá trị sẽ lên tới tiền triệu.
“Biết mua không mà đòi mua ngà voi, cẩn thận kẻo mua phải hàng giả nha. Mua vòng tay bự vậy giá mắc lắm, mua nhẫn đi. Tui có chừng đó hàng thôi” – một chủ tiệm trang sức thuyết phục. Nhưng thấy thái độ khăng khăng của chúng tôi phải mua bằng được chiếc vòng bằng ngà voi, người này bật mí ở đây có người bán đồ thật. Tuy nhiên, chẳng hiểu tại sao đột nhiên người này im lặng và xua tay, lắc đầu không nói nữa, bảo chỉ là câu nói đùa.
Thông tin “ở đây có người bán đồ ngà voi thiệt” của người phụ nữ cứ luẩn quẩn. Nhưng đi mỏi chân, chúng tôi vẫn không có thông tin. Thậm chí có tiệm vừa giới thiệu sản phẩm nhẫn từ ngà voi với khách nhưng khi thấy chúng tôi cầm điện thoại chụp, người này gạt ngay: “Xương bọc vàng thôi” và chẳng buồn tiếp chuyện nữa.
Mưa, lạnh, đường bẩn cùng thông tin tù mù khiến công cuộc tìm kiếm như rơi vào ngõ cụt. Dừng lại ở tiệm trang sức bạc bên hông chợ Gò Dầu để trú mưa, sau vài câu chuyện trên trời dưới đất, chúng tôi có được thông tin bất ngờ. “Ở đây có người bán thật. Nhưng không quen biết không mua được đâu. Để tui giới thiệu cho”. Người này bấm số. Sau một lúc trò chuyện, người đàn ông đồng ý cho chúng tôi số điện thoại và cách liên lạc.
Tối cùng ngày, chúng tôi gọi vào số 0907722… đặt vấn đề, đồng thời bày tỏ nghi ngờ mua nhầm hàng giả vì đã tới vài nơi được giới thiệu nhưng đều là xương giả ngà voi. “Nay họ báo hàng thật mà tới nơi cũng giả nốt, ông xã em người trong nghề. Em tính mua cho đứa em cái vòng ngà voi. Nó học thêm, đi đêm về hôm mà yếu bóng vía quá. Với ông xã, em tính mua khúc ngà nho nhỏ làm tượng đặt trước ô tô” – tôi nói.
Người này quyết định mua bán tại nhà. “Em mời anh chị qua nhà cho biết và đảm bảo tin tưởng. Hàng là hàng thật, hàng đảm bảo, tem bán lâu rồi. Giả quay lại nhà, em trả lại tiền, đền gấp hai, ba lần giá trị anh chị mua. Hàng đảm bảo mới dám mời qua nhà, chớ hàng giả mời ra quán nước rồi” – người đàn ông khẳng định.
Vào tận nơi
Căn nhà người đàn ông này giới thiệu nằm sâu trong hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Khác với đoạn đường xập xệ, đầy ổ gà ổ voi, căn nhà này rất khang trang, sơn trắng. Từ ngoài vào, nhà la liệt đồ gỗ chạm khắc tinh xảo và những bình rượu quý mà theo người này giới thiệu là rượu ngâm rắn hổ mang.
Tiếp chúng tôi là một thanh niên khoảng 30 tuổi, tên Q. Người này cho biết ngà voi anh ta bán có nguồn gốc từ Tây Nguyên. “Ngà voi xịn lúc nào cũng có sọc, vân carô này, ngà giả không có. Phải biết mua đúng chỗ, chứ không là dễ mua hàng giả lắm”, như để chứng minh, Q. cầm chiếc ngà voi nặng lên chỉ cho chúng tôi cách phân biệt.
Anh ta mang ra một số sản phẩm giới thiệu là sừng tê giác chữa ung thư, cao hổ, móng hổ, hai vòng tay làm từ ngà voi, một túi đỏ chứa một số móng hổ mà theo người bán “mấy lần đi thịt hổ, em lại xin về”. Giá một vòng dạng hạt 4 triệu đồng, vòng tròn liền 7 triệu đồng. Cao hổ bán theo lạng, một lạng 6 triệu đồng. Theo người bán, cao hổ này không phải dạng cao hổ cốt, là dạng nấu xương thịt da lẫn lộn nên có giá đó, chứ cao xịn tới mấy chục triệu đồng một lạng. “Uống vào khỏe lắm, trị đau lưng, nhức mỏi hay lắm” – Q. nói.
Người này đưa bình rượu mà theo giới thiệu là cao hổ vét nồi mời “ông xã tôi” và người lái xe uống. Theo lời Q. giới thiệu, hổ này có nguồn gốc từ Campuchia.
“Hàng ngà voi đặt làm tượng thì hết rồi, cái này phải đặt trước, tầm hai ngày là có” – người đàn ông này cho biết. Với lý do không tìm được vòng mỏng hơn, chúng tôi từ chối mua và hẹn dịp khác có vòng bé hơn. Qua tìm hiểu và lần theo số điện thoại, được biết Q. bắt đầu đăng bán sản phẩm từ năm 2016. Số hàng Q. mang ra cho chúng tôi chỉ là một phần rất nhỏ. Trên Zalo người này đăng tải nhiều sản phẩm được giới thiệu như bộ bình từ ngà voi, da hổ…
Kỳ sau: Ngang nhiên bày bán hàng cấm