Đã từ lâu ngành Lâm nghiệp chủ trương sử dụng chủ yếu cây keo đưa vào trồng rừng suốt từ Bắc vào Nam.
Rừng tự nhiên mất dần. Nguyên nhân mất rừng ngày càng nhiều thì ai cũng biết, cũng thấy: Trong nhiều nguyên nhân, chủ yếu vẫn là do dân số ngày càng đông; nạn chặt phá rừng, đốt rừng để lấy đất làm nương rẫy tràn lan; khai thác gỗ rừng để phục vụ nhu cầu về nhà ở, về xuất khẩu và về xây dựng cơ bản ngày càng nhiều. Chặt phá rừng lấy đất trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, chè…
Rừng tự nhiên mất đi, đất trống, đồi trọc ngày càng nhiều, hoang mạc hóa đang lan rộng và rồi tình trạng nắng hạn xảy ra gay gắt, đất đai khô cằn, khi có mưa to, mưa kéo dài thì khó tránh khỏi lũ ống, lũ quét, lở đất, trôi nhà, chết người ở thượng nguồn và gây ngập úng nặng vùng hạ du…
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có chỉ đạo phấn đấu kết thúc năm 2019 đưa tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%. Theo nhận định và đánh giá của các tổ chức nghiên cứu Quốc tế về rừng cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mất và suy thoái do giảm chất lượng rừng tự nhiên và tăng quá nhanh rừng trồng và các loại cây công nghiệp.
Có lẽ không ai hiểu cây rừng hơn chính những người trong ngành Lâm nghiệp.
Tất cả các loại cây rừng tự nhiên đều là những cây vô cùng chịu hạn, thậm chí mọc và sống xanh tốt trên các núi đá vôi. Những cánh rừng dốc đứng, quanh năm khô hạn cây rừng vẫn phát triển tốt, vẫn hình thành những khu rừng tự nhiên và nguyên sinh vốn đã có trước đây. Bây giờ chúng ta đã chặt phá, đã khai thác vô tội vạ và thay vào đó là nương rẫy trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn, trồng cây công nghiệp (cao su, chè, cà phê…), nơi nào đồi núi cao, có độ dốc lớn thì có thể một phần diện tích được trồng lại cây rừng mới, phần còn lại cao quá thì chỉ là đồi núi trơ trọi sỏi đá.
Cây rừng trồng mới bây giờ chủ yếu là cây keo. Cây keo có đặc điểm là sinh trưởng, phát triển nhanh, mạnh với điều kiện đất rừng mới khai thác, đất tốt, có độ ẩm khá. Keo là cây có tán lá to, cành nhiều, hút nước mạnh và phát tán nước cũng mạnh. Vì vậy cây keo trồng trên đồi núi càng cao, càng dốc sinh trưởng càng kém do đất khô hạn. Đặc biệt trong đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài, trời không có mưa trong các tháng 6, 7 vừa qua nhiều nơi cây keo chết khô.
Việc trồng rừng bằng cây keo hiện nay, cây giống được giâm bằng cành, nên bộ rễ phát triển quá nông, không giống như cây trồng bằng hạt. Do đó, không giúp nhiều cho việc sinh thủy và điều hòa nguồn nước ngầm, nước mặt. Chính vì vậy ở nơi nào có rừng cây keo nhiều thì những cánh đồng lúa phía dưới đó hầu như nước khô cạn và phải chuyển sang trồng các loại cây hoa màu khác.
Có một điều đáng quan tâm nữa là, hầu hết những người tham gia trồng rừng bằng cây keo chỉ với mục đích sau khi trồng được 5-6 năm, thậm chí 4 năm đã chặt hết để bán lại cây cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm.
Vậy là rừng trồng lại trở thành rừng trọc, đất vừa bị bóc lột cạn kiệt về dinh dưỡng, khô khan về nước, sau khi chặt cây bán gỗ lấy tiền, còn lại đất trống, đồi trọc, phơi mưa nắng trơ trọi sỏi đá… và tiếp tục trồng lại cây con hoặc để tái sinh. Vì thế phát triển rừng thông qua chỉ tiêu độ che phủ có hôm nay để khai báo, ngày mai chặt lấy gỗ bán lấy tiền. Vậy còn đâu độ che phủ nữa. Vậy mới có chuyện trên sổ sách giấy tờ có độ che phủ rừng mấy %, nhưng trên thực tế có rừng mà không có cây, chỉ có đồi trọc.
Đã đến lúc chúng ta phải đánh giá lại công tác bảo tồn rừng, nhất là rừng tự nhiên. Nên chăng bảo vệ thật nghiên cứu cây rừng hiện có, phục hồi cây rừng tự nhiên và mở rộng rừng trồng những cây rừng vốn đã có trong rừng như lim, dổi, sến, táu, de, gụ… hạn chế phát triển tràn lan cây keo như hiện nay. |