Đây là nội dung chính được đề cập tại Hội thảo “Động thái tài nguyên nước dưới đất và xâm nhập mặn trong điều kiện sụt lún ĐBSCL” do Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Utrecht (Hà Lan) tổ chức tại Cần Thơ ngày 8/10.
Trình bày tại Hội thảo, đại diện Đại học Utrecht (Hà Lan) cho rằng, hiện nay, tình trạng khai thác nước ngầm tại các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL đang ở báo động, điều này không chỉ gây ra tình trạng sụt lún đất với tốc độ nhanh chóng mà còn là nguy cơ để xâm nhập mặn sẽ gia tăng ở vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, những thác thức đặt ra cho vùng ĐBSCL không hề nhỏ, phù sa từ thượng nguồn sụt giảm, khai thác cát, xói lở bờ sông, bờ biển và suy thoái lòng đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tốc độ sụt lún ở ĐBSCL mỗi năm từ 2cm – 4cm mỗi năm và quá trình sụt lún còn diễn ra nhanh hơn và dự báo đến 2050, khoảng 60% diện tích của bán đảo Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển.
Theo kết quả nghiên cứu về sự sụt lún đất của Viện Địa kỹ thuật Na Uy, từ năm 2004 đến nay, do việc khai thác nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân quá mức khiến cho mức độ sụt lún đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau mỗi năm dao động từ 1,9cm – 2,8cm và nếu tình trạng khai thác nước ngầm vẫn còn tiếp tục gia tăng như hiện nay, thì trong 25 năm tới, dự báo mức độ sụt lún đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ lên đến 90cm/năm.
Ông Ung Văn Đẳng, Phó trưởng Phòng Khoáng sản – Khí tượng Thủy văn (Sở TN&MT Sóc Trăng) cho biết, từ năm 2007 đến nay, mực nước dưới đất ở tỉnh Sóc Trăng diễn biến theo chiều hướng hạ thấp theo từng năm. Lý do là trong thời gian qua tình trạng khai thác nước ngầm gia tăng, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 107.000 giếng khoan và giếng đào phục nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho gần 182.000 hộ dân. Tổng lượng nước ngầm khai thác tại các giếng đơn lẻ của người dân trên địa bàn toàn tỉnh hơn 243.000m3/ngày đêm.
Cũng theo ông Ung Văn Đẳng, trước thực trạng đó, gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã siết chặt việc cấp phép khai thác nước dưới đất, khoanh vùng hạn chế khai thác nguồn nước để bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, tăng cường khai thác nước mặt ở những vùng có chất lượng nước tốt, nhằm giảm áp lực nguồn nước dưới đất.
“Đối với giải phát lâu dài, tỉnh Sóc Trăng đang hoàn thiện hệ thống các trạm quan trắc, dự báo, cảnh báo về tài nguyên nước; nguyên cứu, ứng dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, phù hợp với điều kiện nguồn nước; tăng cường công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước”, ông Đẳng cho hay
Còn ông Đỗ Đức Dũng cho rằng, để giảm thiểu thiệt ảnh hưởng từ sụt lún đất, trong thời gian tới, các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL cần quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm, cùng với đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ít phụ thuộc vào nguồn nước, nạo vét các ao hồ, kênh rạch để tích trữ nước…