Một nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra rằng cả nấm bệnh gây hại và nấm rễ cộng sinh có lợi đều có vai trò định đoạt các tác động lẫn nhau giữa các cây cùng loài trong rừng cận nhiệt đới.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện cơ chế định đoạt sự cộng sinh của các loài sinh vật ở các khu rừng cận nhiệt đới, qua đó cung cấp một tài liệu tham khảo cho việc phục hồi hệ sinh thái tại những khu vực này.
Nghiên cứu trên do Viện Thực vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tiến hành và được công bố trên tạp chí Science.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã dành hơn 10 năm theo dõi 100 loài thực vật và 25.000 cây thân gỗ tại khu vực thí nghiệm rộng 24 hécta ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc.
Họ đã thu thập mẫu đất xung quanh rễ của 322 cây thuộc 34 loài và giải mã ADN của nấm từ những mẫu này.
Kết quả cho thấy vai trò của nấm trong đất đối với việc thúc đẩy đa dạng sinh học của rừng cận nhiệt đới.
Theo đó, nghiên cứu trên lần đầu tiên phát hiện ra rằng cả nấm bệnh gây hại và nấm rễ cộng sinh có lợi đều có vai trò định đoạt các tác động lẫn nhau giữa các cây cùng loài. Phát hiện này cung cấp một mô hình mới trong phân tích đa dạng sinh học.
Nghiên cứu trên sẽ góp phần hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học tại các vùng rừng nhiệt đới.