Trước tình trạng ngày càng nhiều di sản bị tàn phá, lấn chiếm và đặc biệt gần đây nhất một công trình khách sạn 7 tầng được xây dựng trái phép ở vị trí “đắc địa” nhất khu vực Hẻm Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang), Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Phó viện trưởng Viện Địa chất – người đã dành hàng chục năm nghiên cứu, lập hồ sơ đánh giá, xây dựng và tôn tạo khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu phát triển du lịch quốc tế với danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu.
PV: Thưa ông, dư luận cho rằng những công trình nhà ở, khách sạn, trạm dừng nghỉ được bê tông hóa là tác nhân gây mất đi nét đẹp hoang sơ, kỳ vỹ của đèo Mã Pì Lèng, Hẻm Tu Sản vực sông Nho Quế nói riêng và cả Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung. Ông bình luận gì về điều này?
PGS.TSKH Vũ Cao Minh: Dư luận như vậy là rất trúng. Từ khi có thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu, du khách tới nhiều thì vấn nạn làm nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn ven đường trên Cao nguyên đá Đồng Văn ngày một dữ dội. Đáng nói nhất là các nhà hàng này lại nằm ở những vị trí “đắc địa” tức là ở những chỗ có tầm nhìn, tầm quan sát đẹp nhất, tốt nhất. Và như vậy vô hình chung các nhà hàng ấy đã cướp đi những điểm di sản rất giá trị, trong chuyên môn gọi là các điểm quan sát cảnh quan, làm mất đi giá trị di sản chung của cả khu vực.
Hơn nữa, các công trình được xây dựng như thế gần như không ăn nhập với thiên nhiên xung quanh. Cái thì thiết kế kiểu nhà ống như ở dưới đồng bằng, cái thì nhìn từ xa như cái lô cốt với tua tủa lỗ châu mai hướng ra ngoài… Vật liệu chủ yếu lại là bê tông hoặc gạch ốp lát xa lạ với kiến trúc truyền thống vốn có của đồng bào. Kiểu kiến trúc đó cũng làm xấu đi khung cảnh chung vốn hoang sơ, kỳ vỹ của vùng núi. Nói tóm lại vấn nạn những công trình xây dựng tự do ven đường và xây dựng cận kề khu di sản ngày càng làm mất dần các giá trị di sản. Có thể nói đó là các hành động tàn phá di sản.
PV: Là người nhiều năm gắn bó nghiên cứu, lập hồ sơ để Công nhận Công viên địa chất, theo ông, sự thay đổi như hiện nay sẽ gây ra những hậu quả gì?
PGS.TSKH Vũ Cao Minh: Mục đích lập ra Công viên địa chất toàn cầu là để bảo tồn các di sản có giá trị cho mọi người đến tham quan, học tập, nghiên cứu, đồng thời phát huy các giá trị đó để nâng cao đời sông nhân dân địa phương. Việc đánh mất đi các giá trị đó, nhất là đối với các di sản địa chất do thiên nhiên ban tặng, quý và đặc biệt như khu vực đèo và hẻm vực Mã Pì Lèng sẽ là một mất mát lớn khó lòng tái lập lại được.
Khi di sản đã xuống cấp, đã mất đi giá trị thì người đến du ngoạn trải nghiệm sẽ ít đi, sẽ thưa dần và mục tiêu phát triển kinh tế du lịch cũng không đạt. Và lúc đó danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu như hiện nay cũng có nguy cơ mất hẳn.
PV: Để được UNESCO công nhân Công viên địa chất toàn cầu, gìn giữ và bảo tồn di sản này, chúng ta cần phải tuân thủ những điều kiện gì?
PGS.TSKH Vũ Cao Minh: Để được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu thì một khu vực cần đáp ứng 6 tiêu chí. Đặc biệt là các tiêu chí về tầm vóc giá trị di sản, về bộ máy quản lý và về công tác bảo vệ, bảo tồn. Danh hiệu được trao không phải là vĩnh viễn. Các tổ chức của UNESCO định kỳ 4 năm một lần sẽ tiến hành tái đánh giá. Khi tái đánh giá nếu thấy tiêu chí nào bị xâm phạm thì họ sẽ có các khuyến cáo để phục hồi. Nếu trong 2 năm mà không đáp ứng yêu cầu thì danh hiệu sẽ bị mất.
Để giữ được danh hiệu đồng thời cũng là thương hiệu làm động lực cho phát triển kinh tế du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Ban quản lý công viên có rất nhiều việc phải làm. Trước hết phải làm tốt công tác bảo vệ, bảo tồn. Mà cụ thể cần phải giải quyết dứt điểm các vi phạm hoặc các công trình ảnh hưởng đến di sản, nhất là ở khu vực có giá trị di sản tầm cỡ thế giới như Mã Pì Lèng.
PV: Theo ông, để xảy ra tình trạng như hiện nay là lỗi của ai?
PGS.TSKH Vũ Cao Minh: Có nhiều nguyên nhân, song nặng nhất là lỗ hổng trong quản lý quy hoạch bảo vệ di sản. Công tác quy hoạch bảo vệ làm rất chậm trong khi nhu cầu thực tế đòi hỏi hàng ngày, hàng tháng. Đến nay mới có 3 quy hoạch được thủ tướng phê duyệt cho toàn bộ Cao nguyên đá. Tất cả đều là tổng thể, về bảo tồn, về xây dựng và về phát triển du lịch. Hiện tại chưa có các quy hoạch chi tiết hơn cho từng khu vực. Điều này gây khó cho việc kiểm tra giám sát ngoài thực tế. Nó cũng dẫn đến việc lý giải tùy tiện các vụ vi phạm.
PV: Vậy giải pháp để chấm dứt tình trạng tàn phá di sản như hiện nay chúng ta cần phải làm gì?
PGS.TSKH Vũ Cao Minh: Đối với các công trình xây dựng ảnh hưởng đến giá trị di sản thì phải kiên quyết dỡ bỏ. Nếu không sẽ có các công trình khác tiếp tục mọc lên. Ở nhiều nước du lịch phát triển, tại các điểm có tầm nhìn, có cảnh quan đẹp, người ta không cho xây nhà hàng khách sạn mà chỉ phát triển các thềm quan sát phục vụ cho đông đảo du khách.
Mặt khác cần sớm ban hành các quy định và hướng dẫn xây dựng dọc các tuyến đường và trong các vùng cận kề di sản. Trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã xác định được hơn 100 điểm di sản và cụm điểm di sản. Cần có những quy định về xây dựng xung quanh các khu vực này.
Và như tôi đã nói, đặc biệt cần sớm tiến hành quy hoạch chi tiết bảo tồn và xây dựng cho các khu di sản trọng điểm như Mã Pì Lèng, hẻm vực Nho Quế, Lũng Cú, Khâu Vai… Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn khâu quản lý thực hiện quy hoạch. Công viên địa chất toàn cầu còn là mới đối với chúng ta. Việc quản lý nó, nhất là khâu bảo vệ di sản, xây dựng phát triển, còn nhiều bất cập. Các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở cần sâu sát hơn trong bảo vệ di sản. Ban quản lý công viên cần được trang bị thêm các công cụ mạnh hơn trong thực thi chức trách của mình.
Đó là những yêu cầu cần làm gấp hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!