Nhu cầu ăn chay của người Trung Quốc đang tăng lên trong bối cảnh đất nước tỷ dân vẫn chưa tìm được giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng thịt lợn.
Người Trung Quốc thích thịt lợn và quốc gia này cũng là một trong những nước tiêu thụ thịt lợn cao nhất thế giới. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thực phẩm này ở Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu hụt trầm trọng và tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự.
Thịt lợn khan hiếm khiến người dân bắt đầu tìm kiếm các loại thực phẩm mới thay thế. “Thịt giả” từ đó lên ngôi, kéo theo ngành công nghiệp thịt có nguồn gốc từ thực vật “ăn nên làm ra” trong thời điểm này.
“Thịt giả” thực chất là các món chay được làm từ đậu phụ, lúa mì nên nó còn giúp cải thiện sức khỏe, ô nhiễm môi trường cũng như giải quyết vấn đề đạo đức khi giết mổ động vật.
“Xu hướng bán chay, giảm lượng thịt do lý do sức khỏe hoặc môi trường có thể mở đường cho thịt giả”, chuyên gia phân tích Simon Powell nhận định.
Ở Planet Green, một nhà hàng chay ở Thâm Quyến, chiếc bánh mì kẹp “thịt giả” dù có giá tới 88 NDT (gần 285.000 đồng), mức giá khá cao so với giá tiền của một chiếc bánh mì thịt thông thường, từ 10-50 NDT, nhưng rất được ưa chuộng. Planet Green cho biết họ đã bán được hơn 10.000 bánh mì kẹp thịt giả kể từ khi chúng được thêm vào thực đơn.
“Tôi rất ngạc nhiên bởi nó ngon như vậy. Tôi cứ nghĩ nó là thịt thật”, một thực khách của cửa hàng cho biết.
Chuỗi cửa hàng ăn chay Green Common ở Hong Kong cũng đang thêm thịt chay vào thực đơn của mình. Một trong những món được ưa chuộng nhất là mì Hakata với phần thịt được làm từ đậu nành, đậu Hà Lan, nấm gạo có mùi vị giống hệt thịt thật.
Vào thời điểm trung thu, công ty khởi nghiệp Zhenrou có trụ sở tại Bắc Kinh tung ra thị trường loại bánh trung thu với phần nhân là thịt có nguồn gốc từ thực vật và rất được đón nhận.
Thịt chay thường có giá cao hơn khoảng 50% so với thịt thông thường. Nhưng các công ty đang tìm cách để thu hẹp khoảng cách này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho cần có một thời gian để ăn chay thực sự trở thành một xu hướng của Trung Quốc bởi thịt lợn vẫn là thực phẩm được ưa chuộng hàng đầu ở đất nước tỷ dân.
Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ tạm thời gạt nó ra khỏi bữa cơm của người Trung Quốc. Nhưng khi cơn khát thịt đi qua, cuộc khủng hoảng lắng lại, mọi chuyện sẽ trở lại như ban đầu.
Song Hy (Theo NAR, CNBC)