Loại gel chống cháy được chế tạo từ chất chất xơ (cellulose), có thể sử dụng máy nông nghiệp hoặc máy bay chuyên dụng phun lên các khu vực có nguy cơ ở thời gian dễ xảy ra cháy rừng.
Các nhà khoa học từ trường Đại học Stanford (Mỹ) vừa sáng chế ra một loại vật liệu dạng lỏng dạng gel không chứa chất độc hại dùng để phòng chống cháy rừng.
Loại vật liệu này được đánh giá không gây hại môi trường, hiệu quả hơn so với các biện pháp chữa cháy truyền thống.
Theo bản tin khoa học từ Stanford, chất gel này chỉ chứa các chất không độc hại được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm nông nghiệp.
Loại gel chống cháy này được chế tạo từ chất xơ (cellulose), có thể sử dụng máy nông nghiệp hoặc máy bay chuyên dụng phun lên các khu vực có nguy cơ ở thời gian dễ xảy ra cháy rừng. Đặc tính phân hủy chậm của loại gel này sẽ “bảo vệ” phòng cháy cho khu vực được phun trong vòng vài tháng.
Công nghệ mới ngược với công nghệ truyền thống vốn sử dụng hóa chất vô cơ, chất này không lưu lại lâu trên cây và do đó không hữu hiệu trong việc phòng cháy trong thời gian dài.
Công nghệ mới giúp cho hoạt động phòng cháy hiệu quả hơn bảo vệ các khu thực vật mục tiêu kể cả khi trời mưa, gió lớn và điều kiệu thời tiết bất lợi khác. Chuyên gia tại đại học Stanford nhận định công nghệ phòng cháy mới sẽ giúp cho việc chống cháy rừng trở nên chủ động, thay vì chỉ phản ứng sau khi đã xảy ra cháy.
Hiện các tác giả đang hợp tác với Cơ quan Vận tải và Cơ quan quản lý và bảo vệ rừng California để thử nghiệm sử dụng loại gel tại các khu vực có nguy cơ cao, nơi xảy ra hàng chục đám cháy mỗi năm.
Theo báo cáo của Trung tâm phòng cháy liên ngành Mỹ, nước này đã phải chi hơn 3 tỷ USD trong năm 2018 cho hoạt động xử lý cháy rừng.