Các nhà khoa học lo ngại rằng sóng thần và tình trạng ấm lên toàn cầu có thể gây ra các đại dịch chết người. Những cơn sóng lớn do động đất gây ra ở Indonesia và Nhật Bản trong thời gian gần đây có thể để lại hậu quả như cơn động đất ở Alaska năm 1964.
Theo BBC, các nhà khoa học Mỹ lo ngại rằng sóng thần và tình trạng ấm lên toàn cầu có thể gây ra các đại dịch chết người. Chẳng hạn, năm 1964, một trận động đất mạnh xảy ra ở Alaska. Nó đã gây ra cơn sóng thần đưa lên bờ một loại nấm nhiệt đới nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu chắc chắn loại nấm này đã phát triển và học được cách sinh tồn trên bờ biển và trong các khu rừng ở Tây Bắc Thái Bình Dương.
Được biết, kể từ năm 1999, hơn 300 người đã mắc phải bệnh cryptococcosis giống như viêm phổi do nấm Cryptococcus neoformans gây ra. Trong 10% trường hợp, nhiễm trùng gây tử vong.
Thông thường, loài nấm này sống ở những vùng ấm hơn như Úc, Papua New Guinea, ở một số vùng của châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ (đặc biệt là Brazil).
Rồi loài nấm này bắt đầu lan rộng khắp thế giới cùng với sự tăng cường giao thông hàng hải. Một trong những động lực thúc đẩy lây lan là việc mở kênh đào Panama. Các nhà khoa học cho biết tuổi phân tử (molecular age) của loài nấm được tìm thấy ngoài khơi bờ biển British Columbia và bang Washington trùng với thời điểm bắt đầu các chuyến hàng vận chuyển từ các cảng Nam Mỹ, đã bùng nổ sau khi mở kênh đào Panama năm 1914.
Loài nấm gây bệnh chết người này phát tán rộng rãi trong các khu rừng nằm sát bờ dọc theo khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu cho rằng trận động đất lớn Alaska 9,2 độ richter năm 1964 đóng vai trò then chốt khi đã tạo ra sóng thần dọc theo bờ biển của khu vực, bao gồm đảo Vancouver cũng như ở Washington và Oregon. Theo đó, nước sóng thần được biết là mang các chủng nấm nguy hiểm và gây nhiễm trùng da và phổi xâm lấn ở những người sống sót. Họ lo ngại rằng trong những năm tới, các bệnh nhiễm trùng khác có thể xuất hiện do hậu quả của những cơn sóng lớn do động đất gây ra ở Indonesia và Nhật Bản trong thời gian gần đây.
Tiến sĩ Arturo Casadevall ở Đại học Johns Hopkins, Mỹ, cho rằng sóng thần có thể là một cơ chế quan trọng khi mầm bệnh lây lan từ đại dương và cửa sông vào đất liền và sau đó đến động vật hoang dã và con người.
Cộng đồng khoa học lo ngại rằng thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu có thể mở rộng đáng kể môi trường sống cho loài nấm nguy hiểm này.