Trong một không gian pháp chế đậm đặc luôn phải thấy hình ảnh của cơ quan chức năng hiện diện ở mọi nơi. Nhưng…
Năm ngoái, khi tiếp cận vụ việc ô nhiễm môi trường xung quanh một khu công nghiệp ở Quảng Trị, tôi gặp khá nhiều người dân và chứng kiến tận mắt các dấu hiệu bất thường của nước, hoa lá, cỏ cây.
Như thường lệ, trong mọi bài phóng sự, cần phải có ý kiến các bên liên quan. Từ thực tế tại hiện trường, tôi mang hình ảnh, clip và hàng loạt lời than thở của bà con đến cơ quan chức năng.
Nơi đầu tiên là chính quyền cấp xã, tôi gặp vị Chủ tịch trẻ tuổi, nhiệt tình, nhưng suốt mấy giờ đồng hồ nói chuyện những câu hỏi mà tôi quan tâm nhất không có đáp án nào đi thẳng vào trọng tâm.
Rằng, họ biết bà con kêu ca, họ biết có dấu hiệu ô nhiễm, họ biết tên nhà máy xả ra mùi hôi, nhưng mức độ như thế nào thì không thể biết và không thể xử lý… Họ bất lực trong việc thực thi quyền hạn của mình!
Vài cơ quan chuyên môn hơn, cao hơn phía trên cũng trả lời lòng vòng, không ai biết chính xác có chất gì trong đám khói, thứ mùi hôi ngầy ngậy khi thời tiết thay đổi và điều gì làm cây lúa sinh trưởng bất thường như thế!
Trong khi đó, để một khu công nghiệp, nhà máy ra đời người ta luôn bắt đầu bằng việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Công việc này còn khó gấp trăm ngàn lần phân tích một mẫu nước có dấu hiệu ô nhiễm, vì không khác nào công việc của “thầy bói” tiên lượng viễn cảnh xảy ra.
Những hồ sơ ĐTM dày cộm có thể thực hiện một cách thông suốt và nhanh chóng nhưng tại sao khi xảy ra ô nhiễm, nhiều nơi tỏ ra bị động? Bằng chứng là ở khu công nghiệp nọ không phải mình tôi tác nghiệp, mà đã có hàng chục cơ quan báo đài lớn nhỏ từng “ghé thăm”.
Một tuần qua chứng kiến cảnh bầu trời TP Hà Nội bỗng hóa mờ ảo như Đà Lạt khiến dư luận bị sốc, hàng triệu người phải sống chung mới bầu không khí mờ đục được cho là tạo thành từ bụi siêu mịn và hơi nước.
Trang quan trắc môi trường Air Visual cho rằng, mức độ ô nhiễm ở Hà Nội có lúc trên 200 AQI, mức rất không lành mạnh theo tiêu chí của WHO. Nhưng Chi cục Môi trường thành phố này tỏ ra không đồng tình với chỉ số trên, họ nói rằng “số liệu không đầy đủ và chưa khách quan”.
Sự phản bác của cơ quan chức năng Hà Nội có hai điểm, một thuộc về khoa học, hai là thuộc về tâm lý. Mặc dù “nhảy dựng” lên với chỉ số AirVisual nhưng Chi cục Môi trường cũng không cung cấp được bộ chỉ số chứng minh đối chiếu.
Và trong trường hợp này sự cảm tính không thể gọi là khoa học, hàng triệu người dân lấy cơ sở gì để tin mình không đang sống trong một thành phố ô nhiễm bậc nhất thế giới?
AirVisual là một ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index) được phát triển ở Mỹ, có khả năng cung cấp thông tin về không khí ở 10.000 thành phố ở 80 quốc gia.
Trong ứng dụng này, các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Saudi Arabia có những thành phố đầu bảng về ô nhiễm không khí. Điều này không chỉ mỗi chỉ số của AirVisual thể hiện. Và tất cả những quốc gia tiên tiến đều sử dụng ứng dụng này.
Vậy người dân nên tin ở AirVisual hay lời bào chữa của Chi cục Môi trường? Dĩ nhiên là những con số – dù chưa biết tính xác thực, song vẫn có khả năng gây xúc cảm mạnh hơn một lời nói suông.
Suốt một tuần nay ứng dụng AirVisual đứng đầu về vị trí lượt tải trên hai kho ứng dụng IOS và Android tại thị trường Việt Nam. Đây là một diễn biến có nhiều điều để nói, hay trực diện hơn là một thất bại ê chề của cơ quan Môi trường Hà Nội!
Họ không đủ thuyết phục để làm người dân tin tưởng và ít ra trong trường hợp này họ nên có một biểu phân tích thực trạng không khí tại Hà Nội để trấn an người dân nếu như mức độ ô nhiễm không phương hại sức khỏe, hoặc khuyến cáo người dân nếu như không khí tồi tệ.
Cách đây chưa lâu, tại một cuộc tiếp xúc cử tri ở Đồng Nai, ông Võ Văn Thưởng nói rằng “điều nguy hiểm là dân không tin cách xử lý của chính quyền”. Hẳn là có lý do nào đó.
Nếu chính quyền không nhạy bén rốt ráo thì người dân biết tin vào đâu? Điều dân chúng cần biết bây giờ không phải là nguyên nhân ô nhiễm, đốt rơm rạ, xây dựng, giao thông, nghịch nhiệt…những thứ mà ai cũng có thể mường tượng ra được.
Mà cái cần nhất là trong bầu không khí mờ đục đáng sợ ấy chứa những gì, người dân phải làm sao để giảm thiểu thiệt hại sức khỏe?
Dù cho con số không thể thuyết phục nhau, nhưng cuối cùng cần phải tìm ra trách nhiệm thuộc về ai đó – mới là cách ứng xử của một chính quyền văn minh.