Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo TP Hà Nội phải có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.
Ngày 2-10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo TP HCM, Hà Nội cùng các bộ trưởng báo cáo về thực trạng ô nhiễm môi trường để sớm đưa ra giải pháp hạn chế.
Không để dân bức xúc vì ô nhiễm
Những ngày qua, các chỉ số về môi trường ở Hà Nội và TP HCM, đặc biệt là TP Hà Nội, luôn ở mức “kém”. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nhận định nồng độ bụi PM2.5 tại TP Hà Nội trong thời gian qua cao nhất trong vòng 5 năm gần đây và khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài vào thời điểm này.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP Hà Nội phải có những giải pháp căn cơ và cụ thể hơn để khắc phục tình trạng ô nhiễm, không thể để dân thủ đô bức xúc như vừa qua. TP Hà Nội phải tính đến các giải pháp như di dời các nhà máy khỏi nội đô, hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, kiểm soát xe cũ nát, phát triển hệ thống cây xanh…
“TP Hà Nội đang quá nhiều nhà cao tầng, chỉ một đoạn đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) mà có 50 tòa cao ốc, như vậy là quá dày đặc” – Thủ tướng ví dụ và đề nghị Bộ TN-MT phối hợp TP Hà Nội khắc phục tình trạng ô nhiễm, đồng thời bố trí các trạm quan trắc hợp lý, mang tính đại diện hơn.
Phân tích về ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá một nguyên nhân quan trọng là có quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng và lượng khí thải từ các phương tiện này rất lớn. Làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo một số giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó có việc khẩn trương hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm để đưa vào khai thác, vận hành; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp vận tải hành khách công cộng; giảm phương tiện cá nhân; rà soát quy hoạch xây dựng, bố trí dân cư, phát triển các đô thị vệ tinh với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, hiện thủ đô có khoảng 700.000 ôtô, trên 5 triệu xe máy, chưa kể rất nhiều xe cũ không đạt chuẩn về khí thải, đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
Giết người thầm lặng
PGS-TS Vũ Văn Giáp – Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – cho biết hiện tượng mây mù và các chỉ số về ô nhiễm không khí tại TP Hà Nội và TP HCM đã vượt mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt với những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch…
Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, có tới 600.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí không ngừng gia tăng những năm gần đây. Các chuyên gia y tế cũng lưu ý khẩu trang y tế chỉ được sử dụng trong phòng y tế, đi ra đường hoàn toàn không có chức năng cản bụi. Để hạn chế nguy cơ này, người dân có thể sử dụng khẩu trang than hoạt tính, có 2-3 lớp và thay khẩu trang nhiều lần trong ngày.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự, tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với những người mắc bệnh lý về đường hô hấp sẽ bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
12 nguyên nhân
Theo ông Vũ Đăng Định – Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội – có 12 nguyên nhân gây ô nhiễm trên địa bàn TP, gồm: Khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa. Theo dự kiến, đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ có 32 trạm quan trắc chất lượng không khí, trong đó có 20 trạm quan trắc cố định, 12 trạm quan trắc cảm biến, từ đó đưa ra những cảnh báo về chất lượng không khí. |
Nhiều người dân TP HCM vẫn thờ ơ
Trên bảng xếp hạng chỉ số chất lượng không khí AQI đo được từ phần mềm Air Visual của Mỹ tại 2 TP lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP HCM cho thấy liên tục 4 ngày qua, TP Hà Nội đứng đầu tốp các TP lớn trên thế giới với chỉ số AQI báo động từ 150 đến 220, tức nằm trong nhóm không tốt cho sức khỏe và cực kỳ có hại cho sức khỏe. Ở TP HCM, ngày 1 và 2-10, chỉ số AQI từ 100 đến 160, không tốt cho sức khỏe. Đáng lưu ý, các phần mềm cũng cảnh báo mức độ tiếp xúc bụi mịn PM2.5 tại TP Hà Nội và TP HCM thường xuyên vượt ngưỡng từ 3 đến 10 lần, đây là “sát thủ” vô hình đối với sức khỏe con người vì có thể xâm nhập sâu vào cơ thể do có kích thước siêu nhỏ. Dù nhiều thông tin cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng không tốt sức khỏe nhưng còn rất nhiều người dân vẫn thờ ơ, ít có biện pháp bảo vệ khi ra đường, nhất là cho các đối tượng như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Tại TP HCM, trên các đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Trường Chinh (quận Tân Bình), Nguyễn Văn Cừ (quận 5)…, những nơi thường có chỉ số AQI ở mức ảnh hưởng sức khỏe với nồng độ khói bụi cao, rất nhiều phụ huynh chở con đi học nhưng không trang bị khẩu trang cho con là đối tượng nằm trong nhóm nhạy cảm, dễ chịu ảnh hưởng nhất. Tại các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, tuy nồng độ khói bụi ít hơn nhưng trong những ngày sương mù dày đặc, người dân vẫn vô tư mang thực phẩm như khô, cá, bánh tráng ra phơi để “hứng sương cho mặn mà”. GS-TSKH Lê Huy Bá, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng rất khó để giải quyết thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay tại TP Hà Nội và TP HCM, bởi phải chấp nhận những mặt trái của quá trình đô thị hóa và tốc độ phát triển phương tiện giao thông quá nhanh khiến bụi mịn và ô nhiễm tăng cao. Vấn đề là chính quyền các nơi này cần có các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm, trong đó tập trung xử lý các nguồn phát thải. Cụ thể, cần có chế tài, xử lý nghiêm các hành vi đốt rác thải, đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí; xử lý nghiêm các công trình xây dựng phát sinh bụi nghiêm trọng; kiểm soát chặt các nguồn khí thải tại các KCN, nhà máy, xí nghiệp trong nội đô. Đặc biệt cần có cơ quan chuyên trách về ô nhiễm không khí. Cơ quan này được trang bị đủ máy móc, thiết bị quan trắc tự động, kịp thời đưa ra những cảnh báo cho người dân khi thời tiết bất thường. Để giảm nguồn khí thải phát sinh từ các nhà máy, xí nghiệp, từ năm 2002, TP HCM đã thực hiện chủ trương di dời hàng trăm cơ sở ô nhiễm xen cài khu dân cư. Thế nhưng, theo Sở TN-MT TP, do các quy định trong thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh không đòi hỏi có ý kiến của địa phương về nội dung bảo vệ môi trường cũng như quy hoạch ngành nghề dẫn đến doanh nghiệp ô nhiễm dễ dàng hình thành, khi di dời được một cơ sở lại phát sinh hai và xử lý rất khó khăn. Năm 2018, TP phát sinh 294 cơ sở sản xuất mới gây ô nhiễm trong khu dân cư, trong khi đó chỉ có 188/504 cơ sở hiện có hoàn tất việc khắc phục gây ô nhiễm. Th.Hồng |