Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Cty cổ phần khoáng sản và thương mại Sao Mai (Công ty Sao Mai) dừng mọi hoạt động trong khu vực mỏ khai thác Titan xảy ra vụ việc công nhân tử vong vào ngày 30/9.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Công ty cổ phần khoáng sản và thương mại Sao Mai (Công ty Sao Mai) dừng mọi hoạt động trong khu vực mỏ khai thác Titan xảy ra vụ việc công nhân tử vong vào ngày 30/9 vừa qua. Bên cạnh đó là buộc công ty này phải thực hiện đúng yêu cầu của Bản đánh giá tác động môi trường và có giải pháp đảm bảo an toàn, báo cáo cơ quan chức năng kiểm tra trước khi hoạt động trở lại.
Trước đó, vào 4h sáng ngày 30/9, ông Trần Cao Vinh (49 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) là công nhân của Công ty Cổ phần Khoáng sản – Thương mại Sao Mai đang xuống dưới hố khai thác titan sâu khoảng 30m để xịt nước, phục vụ hoạt động đãi quặng.
Đúng lúc này, một lượng lớn cát đổ sập xuống, vùi lấp nạn nhân. Ngay khi phát hiện vụ việc, các công nhân khác đã tìm cách ứng cứu, đưa người bị nạn ra khỏi đống cát nhưng anh Vinh đã tử vong.
Sau khi sự việc xảy ra, ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận đã khám nghiệm hiện trường để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Ngành chức năng xác định Công ty này mở ba moong để thử nghiệm khai thác từ ngày 26/9. Một moong có chiều rộng 40m, sâu 24-27m, nhưng góc nghiêng vách (độ dốc) lại trên 50o. Độ dốc này không đúng với thiết kế, gây mất an toàn, dẫn đến sự cố trên.
Hai moong khác tương tự ở kề đó cũng đã mở có độ dốc trên trên 50o, không đúng với các thông số thiết kế.
Ngoài ra, Công ty Sao Mai chưa thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo tác động môi trường, cụ thể là không đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh lao động cho các nhân công, từ đó xảy ra tai nạn lao động.
Mỏ Titan Sao Mai, nơi xảy ra vụ công nhân tử vong ngày 30/9 vừa qua, được Bộ TNMT cấp phép vào năm 2015, với diện tích 350ha, thời hạn khai thác 9 năm 2 tháng, bắt đầu từ năm 2019 (khi hoàn thành các thủ tục luật định). Trước khi chuẩn bị khai thác, chủ đầu tư đã thực hiện một số thủ tục như: thuê đất, nộp tiền cấp quyền, ký quỹ môi trường, sử dụng nước mặt, kế hoạch vận hành thử nghiệm…
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị trước khi được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, cuối tháng 9, công ty này tiến hành mở moong không đúng với thông số thiết kế trong giấy phép và báo cáo tác động môi trường dẫn đến vụ sập mỏ gây chết người.
Theo đánh giá của các bộ, ngành chức năng, trữ lượng quặng titan trên địa bàn Bình Thuận đạt gần 600 triệu tấn, nằm trên diện tích rộng khoảng 101.227ha, chủ yếu tập trung tại các đồi cát, rừng phòng hộ ven biển.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 khu vực được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến. Có 4 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, gồm: Công ty TNHH Phú Hiệp, Công ty TNHH Đức Cảnh, Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn và Công ty TNHH Tân Quang Cường.
Tuy nhiên, thời gian qua, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các doanh nghiệp này.