Rừng Tây Nguyên vẫn “chảy máu”

Dù Thủ tướng đã có lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên nhưng thời gian gần đây liên tục nhiều vụ phá rừng với quy mô lớn được phát hiện

Vào khoảng giữa tháng 9-2019, từ thông tin của người dân, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận tình trạng lâm tặc triệt hạ không thương tiếc hàng loạt cây gỗ quý cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Gỗ nằm đầy đường

Từ nhà rông làng Vi Rin (xã Đắk Tăng, huyện Kon Plong), chúng tôi vượt qua hàng rào bằng ván gỗ đi thẳng vào rừng. Đi bộ chỉ khoảng 2 km thì đã phát hiện những thân gỗ vừa bị đốn hạ nằm rải rác trên đường. Dọc theo tuyến đường này còn có nhiều đường xương cá dẫn sâu vào rừng và lối nào cũng la liệt những khúc gỗ lớn, có khúc 2 người ôm mới xuể.

Cách cột mốc ghi “Ranh giới rừng phòng hộ lâm trường Măng Cành II” chỉ khoảng 5 m, chúng tôi phát hiện một cây cỡ 2 người ôm vừa bị cưa hạ, xẻ lóng còn trơ gốc.

Thiêu sống rừng thông để lấy đất sản xuất ở huyện Bảo Lâm Ảnh: ĐÌNH THI

Cách đây không lâu, trong vai những người đi tìm lan rừng, chúng tôi vượt cầu Nước Ngom, xã Đắk Tăng qua chốt quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plong tiến sâu vào rừng mà không bị ai hỏi han. Đi thêm khoảng 3,5 km, chúng tôi phát hiện thêm 20 cổ thụ bị chặt hạ, phần thân gỗ đã được đưa đi bằng máy cày, vết xe còn hằn rất mới.

Cung cấp thông tin và những hình ảnh ghi nhận tình trạng rừng bị tàn phá, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plong, cho biết sẽ cử lực lượng đi xác minh, có kết quả sẽ thông tin lại cho báo chí.

Ông Hà Đức Vịnh, Chánh Văn phòng UBND huyện Kon Plong, cho biết huyện này đã ra rất nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm các đối tượng lâm tặc phá rừng. Tuy nhiên, thực tế, rừng vẫn đang bị đốn hạ.

Còn ông Võ Sỹ Chung, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết đơn vị cũng mới nhận được thông tin từ người dân báo có vụ phá rừng ở huyện Kon Plong. Các cán bộ của chi cục đang đi kiểm tra hiện trường. “Nếu có dấu hiện tiếp tay sẽ xử lý nghiêm cán bộ vi phạm” – ông Chung khẳng định.

Rừng “chảy máu” trong khi chờ thu hồi

Trong khi đó, tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, hàng loạt cánh rừng thông khoảng 30 tuổi đang bị cưa hạ, đốt gốc, gọt thân, khoan lỗ, đổ thuốc độc.

Trước đó, Báo Người Lao Động cũng đã phản ánh tình trạng bức tử rừng thông để lấy đất sản xuất tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm. Sau đó, UBND huyện Bảo Lâm lập đoàn thanh tra việc thực hiện quản lý, bảo vệ rừng giao cho cộng đồng thôn 4, xã Lộc Phú và phát hiện hàng loạt sai phạm. UBND huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục để thu hồi 231 ha đất rừng, giao lại cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý; đồng thời giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng lại rừng; điều tra làm rõ hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, sang nhượng trái phép để xử lý; làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với những cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, trong thời gian lực lượng chức năng làm thủ tục để thu hồi thì tình trạng ngang nhiên triệt hạ, bức tử rừng thông vẫn tiếp diễn. Chiều 26-9, phóng viên Báo Người Lao Động đã quay lại khu rừng thông ở Tiểu khu 439 (thôn 4, xã Lộc Phú) và chứng kiến việc phá rừng diễn ra công khai.

Tại đây, hàng loạt cây thông có đường kính 30-60 cm, cao hàng chục mét bị cắt hạ ngổn ngang. Các đối tượng cắt thông ra từng khúc, dồn đống lại rồi đốt phi tang. Thậm chí, họ còn chất các lóng gỗ vào những gốc thông hàng chục năm tuổi đang xanh tốt để đốt. Ngoài ra, nhiều cây gỗ thông thuộc khu vực này hầu hết bị đục khoét, cắt gọt sâu vào thân, tứa nhựa. Ngay dưới những gốc thông đang có dấu hiệu chết đứng, những cây cà phê bắt đầu mọc lên.

Nói về tình trạng trên, ông Huỳnh Quang Công, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri, cho biết khi lực lượng chức năng phát hiện vụ việc thì các đối tượng vi phạm không hợp tác, dùng lời lẽ lăng mạ, hăm dọa nên… khó xử lý.

Không bổ nhiệm lại giám đốc để mất rừng

Ngày 27-9, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết UBND tỉnh đã thống nhất không bổ nhiệm lại ông Nguyễn Hồng Mạnh làm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Bên cạnh đó, sở đã trình UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng tại đơn vị này. Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đang làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar trong vụ phát hiện hàng trăm mét khối gỗ lậu tại lâm phần do công ty này quản lý.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh trong khoảng 3 năm qua, rừng do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý liên tục bị tàn phá. Mới đây, ngày 18-8, Công an tỉnh Đắk Lắk đã vây bắt các đối tượng đang cưa hạ cây rừng trong lâm phần của công ty này quản lý. Mở rộng điều tra, công an đã thu giữ hơn 800 m3 gỗ lậu.

C.Nguyên