Ngày 25/09, Mỹ và Nhật Bản đã hoàn thành bản phác thảo các chi tiết ban đầu của Thỏa thuận thương mại song phương.
Theo đó, hơn 90% nông sản và thực phẩm của Mỹ xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được miễn thuế hoặc được hưởng ưu đãi sau khi thỏa thuận được thực hiện.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ miễn giảm thuế quan đối với hàng hóa nông sản Mỹ trị giá 7,2 tỷ USD.
Cụ thể, Nhật Bản sẽ giảm thuế theo các giai đoạn đối với thịt bò và thịt lợn. Đồng thời loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm bao gồm: hạnh nhân, quả việt quất, ngô ngọt và hạt bo bo, phô mai và váng sữa, gia cầm, cam đông lạnh, và ethanol.
Trong một cuộc họp báo vào 25/09, tổng thống Trump cho biết, thỏa thuận này là một chiến thắng rất lớn cho nền nông nghiệp Mỹ và đặc biệt có ý nghĩa cho nông dân và cho các chủ trang trại.
Tuy nhiên, gạo không nằm trong danh sách mặt hàng được miễn giảm thuế. Nhật bản là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Mỹ. Song, giờ đây Mỹ đang phải chịu áp lực lớn khi quốc gia châu Á này ký kết các Hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định CPTPP.
Theo các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nhật Bản sẽ nhập khẩu 682.000 tấn gạo mỗi năm, trong đó, 50% là từ Mỹ. Song, kể từ khi Nhật Bản tham gia Hiệp định CPTPP, mặt hàng gạo của Mỹ đang phải cạnh tranh với các nhà sản xuất của Úc.
USTR cho biết, năm 2018, Mỹ xuất khẩu 14,1 tỷ USD thực phẩm và nông sản sang thị trường Nhật Bản, trong đó 5,2 tỷ USD đã được hưởng thuế quan 0%.