Các cảm biến sẽ giúp cứu mạng nhiều người trước khi trận động đất xảy ra, như cho phép ngừng ngay lập tức một đoàn tàu, đóng cửa một tuyến đường cao tốc hay khóa van một đường ống khí đốt.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, chính quyền Indonesia ngày 26/9 thông báo đang cho lắp đặt gần 400 cảm biến phát hiện động đất công nghệ mới tại nhiều khu vực gồm thủ đô Jakarta, Tây Java, Eo biển Sund và Tây Sumatra, qua đó giúp phát hiện động đất trước 15-30 giây.
Giám đốc Cơ quan Địa vật lý và Khí tượng học Indonesia (BMKG) Dwikorita Karnawati cho biết số lượng cảm biến động đất ở “Xứ Vạn đảo” sẽ được nâng từ 174 chiếc lên hơn 560 chiếc vào cuối năm nay.
Theo ông Dwikorita, các cảm biến mới này được kết nối bằng cáp thông minh lắp đặt dưới đáy biển. Với việc hiện đại hóa cảm biến và cáp truyền, hệ thống có khả năng gửi và tiếp nhận tín hiệu động đất chính xác và nhanh chóng hơn.
Điều đó sẽ giúp cứu mạng nhiều người trước khi trận động đất xảy ra, như cho phép ngừng ngay lập tức một đoàn tàu, đóng cửa một tuyến đường cao tốc hay khóa van một đường ống khí đốt để ngăn chặn nguy cơ tai nạn và cháy nổ.
Ông Dwikorita đánh giá đây là bước đột phá mới vì tới nay Indonesia vẫn chưa có khả năng phát hiện động đất từ trước.
Dự kiến, công tác lắp đặt đặt cảm biến sẽ được hoàn tất và đưa vào thử nghiệm vào đầu năm 2020.
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi một số mảng kiến tạo gặp nhau, Indonesia thường xuyên bị thiên tai đe dọa, trong đó có động đất và phun trào núi lửa.
Năm 2004, sau trận động đất có độ lớn 9,0, tỉnh Aceh của Indonesia đã phải hứng chịu một trận sóng thần dữ dội khiến khoảng 230.000 người thiệt mạng. Riêng trong năm 2018, BMKG đã ghi nhận 11.600 trận động đất.
Ngày 28/9/2018, trận động đất có độ lớn 7,5 kéo theo sóng thần đã gây thiệt hại nặng cho thành phố ven biển Palu trên đảo Sulawesi. Hơn 4.300 người đã thiệt mạng và khoảng 170.000 cư dân phải sơ tán do thảm họa.