Chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 24/9 đã cam kết giảm khí thải carbon xuống bằng không vào năm 2050 nếu đảng Tự do của ông chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Cam kết trên được Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, bà Catherine McKenna, đưa ra sau bài phát biểu đầy cảm xúc của nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển, Greta Thunberg, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại New York (Mỹ) ngày 23/9, trong đó cô chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới chưa hành động đủ để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo bà Catherine McKenna, mặc dù những lời nói trong bài phát biểu của cô bé Greta Thunberg mang đậm tính chỉ trích song nó buộc chúng ta phải suy ngẫm và có trách nhiệm với lời hứa của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bà nhấn mạnh “Canada đang chuẩn bị tiến hành bầu cử, chính vì vậy chúng tôi không thể đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về khí hậu trong tương lai với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc đất nước chúng tôi có thể thực hiện tốt hay không tốt các cam kết đã ký trong việc bảo vệ môi trường phụ thuộc rất nhiều vào là phiếu của người dân Canada trong cuộc bầu cử.”
Bà cũng cho biết hiện khí hậu Canada đang nóng lên với tốc độ nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới và gấp 3 lần so với khu vực Bắc cực. Điều này đang đe dọa khu vực sống của người thổ dân Inuit ở phía Bắc nước này.
Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh lượng khí thải thải vào khí quyển tiếp tục tăng lên, gây ra những cơn sóng nhiệt cũng như bão lũ như những năm gần đây, Liên hợp quốc ước tính các nước trên thế giới cần nỗ lực gấp 5 lần so với hiện tại.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc vừa diễn ra tại thành phố New York ngày 23/9 với sự góp mặt của lãnh đạo nhiều nước trên thế giới. Diễn ra trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74, hội nghị lần này đã hối thúc các bên có trách nhiệm hơn nữa trong thực thi những cam kết đã nêu trong Hiệp định Paris 2015.
Liên hợp quốc cho biết đã có 66 quốc gia đã tuyên bố nỗ lực để đạt được lượng khí thải carbon bằng không vào năm 2050.