Bảo tồn loài chà vá chân xám đặc hữu ở Núi Thành, Quảng Nam

Đàn chà vá chân xám sinh sống tại các hòn núi thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, hiện có khoảng 50 con.

Tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam ngày 25/9 cho biết, tỉnh Quảng Nam giao Chi cục Kiểm lâm phối hợp với huyện Núi Thành và các ngành có liên quan bảo vệ nghiêm ngặt 30 ha rừng tự nhiên còn lại tại các hòn núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông, Dương Bản Lầu thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam), ngăn chặn triệt để các hành vi săn bắn trái phép để bảo tồn loài chà vá chân xám và các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng.


Đàn Voọc Chà vá chân xám phát hiện tại núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hữu Trung, Văn Tuấn/TTXVN

Được phát hiện từ đầu năm 2018, đàn chà vá chân xám sinh sống tại các hòn núi thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, hiện có khoảng 50 con. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, thuộc nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước quốc tế về chống buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, đáp ứng đầy đủ những căn cứ để bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

Theo Đề án này, từ nay đến năm 2028, tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư nguồn kinh phí 134 tỷ đồng từ ngân sách và vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp làm du lịch và các tổ chức quốc tế để bảo tồn và phát triển loài chà vá chân xám đặc hữu.

Bên cạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt 30 ha rừng tự nhiên còn lại tại các hòn núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông, Dương Bản Lầu, từ nay đến năm 2028, tỉnh Quảng Nam sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng ít nhất 150 ha từ rừng sản xuất thành rừng đặc dụng nhằm mở rộng sinh cảnh, đảm bảo môi trường sống phù hợp cho sự phát triển bền vững của quần thể linh trưởng quý, hiếm này.

Trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) đều xếp loài chà vá chân xám vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR), có nguy cơ tuyệt chủng .