Vấn đề bảo vệ sông Đồng Nai mang tính sống còn, đã được nhắc lại nhiều lần trong nhiều năm nay nhưng xem ra chẳng thấm vào đâu.
Sông Đồng Nai “sống chết mặc bây”!
Sông Đồng Nai “Sống chết mặc bây”!: Triệu người đang bị đe dọa
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, cho biết trong nhiều năm qua, ban giám đốc VQG đã nhiều lần lên tiếng, phản ánh tình trạng VQG Cát Tiên bị xâm phạm bởi “cát tặc”.
Nói hoài, nói mãi rồi
Theo ông Phạm Hồng Lượng, từ sau khi VQG Cát Tiên “thoát” khỏi việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ngay trong đất vườn (Thủ tướng quyết định dừng vào năm 2011), lập tức VQG này lại đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó đặc biệt là nạn “cát tặc”. Từ đó đến nay, VQG Cát Tiên đã nhiều lần báo cáo tình hình lên các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nhưng không mấy được quan tâm. “Cát tặc” cứ thế lộng hành. “Các tỉnh họp, có văn bản thì mới đây, VQG Cát Tiên cũng đã có ý kiến trong đấy. Tất nhiên chúng tôi phải nêu vấn đề. Nó ảnh hưởng ghê gớm. Giám sát, quy hoạch phải như thế nào. Phải theo dõi đánh giá tác động của nó. Chúng tôi đã đưa ra các cảnh báo thực tế và phối hợp với các cấp chính quyền, chứ theo luật, lực lượng của vườn không thể giám sát, chỉ trừ trường hợp xâm phạm, phá hoại cụ thể. Trường hợp mập mờ – tức khi việc khai thác là chính danh nhưng thực hiện mập mờ thì lực lượng của vườn không thể làm gì được” – giám đốc VQG Cát Tiên phân tích.
Ông Phạm Hồng Lượng cho biết thêm ngoài việc phản ánh, cảnh báo và kêu cứu lên các cấp, hiện ban lãnh đạo VQG cũng chỉ đạo lực lượng bảo vệ vườn kiểm soát, đánh dấu theo dõi nhưng đó là cả vấn đề… rất phức tạp khi các đơn vị khai thác cát đã được cấp phép. Ông Lượng nêu việc vườn đã nhiều lần kêu lên, rõ ràng không muốn có việc khai thác cát trong khu vực có thể ảnh hưởng tới VQG. Tuy nhiên, vì nhu cầu kinh tế – xã hội, nếu các địa phương vẫn tiếp tục cấp phép khai thác cát thì theo ông cần phải có “điểm dừng”, điểm quy hoạch để chắc chắn không thể xâm phạm đến VQG.
Liên quan đến vấn đề nạo vét, khai thác cát trên sông Đồng Nai, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, khẳng định ngoài các vấn nạn khác thì khai thác cát bừa bãi là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến sông Đồng Nai. Có nhiều lúc, báo chí, người dân và các tổ chức xã hội đã đánh động việc khai thác cát với hoạt động của “cát tặc”. Đây cũng là cái lạ trong quản lý khai thác cát trên sông Đồng Nai cũng như các dòng sông khác trên cả nước. Cát rất đắt, chỉ việc múc lên từ sông nhưng rồi sẽ cạn kiệt, còn việc khai thác tràn lan sẽ tàn phá sông suối, thiên nhiên. Nên phải có chính sách hợp lý, cùng cách làm có tâm và khoa học để không gây hậu quả nặng nề. “Câu chuyện bảo vệ sông đặt bên cạnh các nguồn lợi trước mắt đã rất cấp bách. Chúng ta không thể cứ nói mãi, mà cấp thẩm quyền phải đưa ra được chính sách để bảo vệ sông…” – TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.
Nhà máy nước ở TP HCM căng mình xử lý
Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), đơn vị này đang khai thác nguồn nước thô của sông Đồng Nai với công suất 560.000 m3/ngày đêm (Nhà máy Nước Thủ Đức 1) để sản xuất thành nước sạch và cung cấp cho người dân TP HCM. Bên cạnh đó, 3 nhà máy khác gồm Nhà máy Nước BOO Thủ Đức, công suất 330.000 m3/ngày đêm; Nhà máy Nước Thủ Đức 3, công suất 300.000 m3/ngày đêm; Nhà máy Nước BOT Bình An, công suất 100.000 m3/ngày đêm đều có trạm bơm nước thô khai thác nước sông Đồng Nai để sản xuất thành nước sạch. Như vậy, khoảng 1,3 triệu m3/ngày đêm nước sạch cung cấp cho người dân TP được lấy từ nước sông Đồng Nai.
Trong khi đó, dù thời điểm hiện nay mưa nhiều kéo theo chất lượng nước sông Đồng Nai tương đối ổn định nhưng theo Phòng Quản lý chất lượng nước của SAWACO, nước sông Đồng Nai vẫn có một số chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, kết quả thử nghiệm mới nhất trong tháng 9 cho thấy chỉ tiêu E.coli vượt gấp 3 lần, Coliform vượt gấp 2 lần, một số chỉ tiêu khác như sắt, mangan cũng tăng so với ngưỡng cho phép.
Đặc biệt, đánh giá về chất lượng chung nguồn nước thô tại khu vực lấy nước của sông Đồng Nai, ông Trần Kinh Thạch, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước của SAWACO, cho rằng hàm lượng vi sinh thường cao hơn quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (QCVN 08:2018) ở mức 1 đến 15 lần nhưng có thể dễ loại bỏ trong quá trình xử lý, ngoài ra chỉ tiêu amoniac NH4 thường vượt chuẩn, hàm lượng COD, BOD5.
Những dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ đang ở mức tiệm cận với tiêu chuẩn về quy chuẩn nước mặt, vì vậy nếu dọc lưu vực sông không có các biện pháp kiểm soát tốt nguồn thải thì nguy cơ ô nhiễm tiếp tục tăng, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xử lý nước của các nhà máy” – ông Trần Kinh Thạch thông tin.
Ngoài ra, hiện tại độ đục tại khu vực sông Đồng Nai tăng bất thường khiến các nhà máy nước phải căng mình xử lý, theo đó bình quân các năm trước, độ đục chỉ ở mức khoảng 150 NTU và chỉ bị trong một vài giờ nhưng trong năm 2019 đã đạt mức 200 NUT và kéo dài trong khoảng 4 ngày. Kế đến, độ màu bình thường tối đa ở mức 1200 PtCo nhưng năm 2019 đã đạt mức 1600 PtCo. Do đó, nếu không có các biện pháp hạn chế sự xói mòn đất dọc theo lưu vực sông Đồng Nai thì trong tương lai sẽ có những biến động lớn ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân khu vực cuối nguồn, mà cụ thể là TP HCM.
Kỳ tới: Phải loại bỏ lợi ích cục bộ!
Phải theo dõi chất lượng nước online
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, để bảo đảm chất lượng nước sạch an toàn, đáp ứng tốt các chỉ tiêu theo quy chuẩn đề ra, ngoài việc tăng cường giám sát chất lượng nước định kỳ thông qua các trạm quan trắc đặt tại các trạm bơm nước thô, SAWACO phải đặt thêm các song chắn rác. Đặc biệt, SAWACO phải theo dõi chất lượng nước online, châm bổ sung thêm hóa chất, xây dựng các công trình tiền xử lý nước thô… trước khi đưa nước vào hệ thống xử lý. |