Nhiều người lo ngại khi các tỉnh thượng nguồn sông Đồng Nai cho phép các dự án khai thác cát đã được cấp phép nhưng tạm ngưng thời gian qua được hoạt động trở lại
Giữa tháng 9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước đã thống nhất đồng ý việc cho phép các dự án khai thác cát đã được cấp phép hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng trên sông Đồng Nai. Như vậy, sau thời gian ngưng tất cả dự án do Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh khu vực cấp phép, hoạt động khai thác cát trên sông này đã trở lại. “Cát tặc” theo đó rất dễ có điều kiện hoành hành.
Nỗi lo chồng chất
Nếu là người am hiểu tình hình sông Đồng Nai thì ai cũng dễ dàng nhận định: Rồi đây khó tránh khỏi tình trạng lợi dụng thời tiết mưa bão, nước sông Đồng Nai dâng lên, “cát tặc” sẽ tung hoành. Bằng chứng là từ lâu, lợi dụng tình hình trên, “cát tặc” đã xâm hại nghiêm trọng sông Đồng Nai ở các đoạn chảy qua xã Núi Tượng, Tà Lài, Đắc Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) và các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) và các xã Đăng Hà, Thống Nhất (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước)…
Hầu hết những doanh nghiệp khai thác cát trên sông Đồng Nai có giấy phép khai thác giữa dòng nhưng đều cố thọc vòi sâu vào hai bên bờ để tận thu. |
Những ngày này, đi dọc Tỉnh lộ 721 đoạn từ Lâm Đồng đi Bình Phước ngang qua 2 xã Đăng Hà và Thống Nhất của huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), chúng tôi nhận thấy hàng chục ụ cát khổng lồ dọc bên đường nườm nượp xe tải, xe múc ra vào vận chuyển mà người dân ví von đây là “thành phố cát”. Ông Trương Văn Tiềng (36 tuổi; ngụ tổ 3, thôn 6, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bức xúc cho hay gia đình ông canh tác gần 2 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ trong một đêm bị nước cuốn phăng 2 sào cũng vì nạn “cát tặc”. “Tàu cát hoạt động trên địa bàn rất tấp nập, hằng ngày có hàng chục tàu hút hoạt động, hút cát cả ngày lẫn đêm và gây sạt lở đất nghiêm trọng. Đã nhiều lần tôi phản ánh lên cơ quan chức năng nhờ can thiệp nhưng không thể giải quyết dứt điểm” – ông Tiềng ngao ngán và cho rằng bây giờ cho phép khai thác cát thì rõ ràng gia đình ông khó giữ được mảnh vườn nhỏ còn lại.
“Hằng ngày, gia đình tôi phải cắt cử người canh tàu cát để xua đuổi, thế nhưng những đối tượng này còn manh động dùng cả súng cồn, súng tự chế chống trả. Đất vườn thì mất trắng, người dân cầu cứu chính quyền cũng không xong” – ông Huỳnh Quảng (59 tuổi; ngụ xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) có vườn sầu riêng bị nước cuốn trôi, ngán ngẩm.
Tại khu vực xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, giáp ranh tỉnh Lâm Đồng có sông Đạ Huoai, nhánh sông đổ vào thượng nguồn sông Đồng Nai, sát Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Tại đây, hơn 20 hộ dân, chủ của những thửa đất trồng hoa màu dọc hai bên sông, hơn 1 năm nay kêu cứu vì đất đai của họ bị “cát tặc” kéo tuột xuống sông. Anh Nguyễn Hiếu cho biết người dân nơi đây dùng nhiều cách, kể cả hò hét xua đuổi “cát tặc” nhưng không làm gì được chúng.
Khi bờ sông, vườn tược đã tan hoang, hàng sào đất hoa màu trôi xuống sông, người dân mới kéo nhau đi gặp chính quyền cầu cứu. Nhưng rồi xã, huyện nhiều lần họp, thành lập cả đội phản ứng nhanh nhưng vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”, “cát tặc” ngơi đi một thời gian lại quay lại. “Người dân có kéo lên xã phản ánh, lên cả UBND huyện. Nhưng phải nói tình hình phức tạp do lợi nhuận từ cát cao, những người làm ăn đều từ phía tỉnh Lâm Đồng sang nên Đồng Nai khó kiểm soát…” – ông Trần Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cát Tiên, phân trần.
Ngoạm cả VQG Cát tiên
Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban Quản lý Di tích khảo cổ Cát Tiên – nhìn nhận tình trạng các tàu cát hoạt động rầm rộ là rất quan ngại cho sạt lở hai bên bờ sông và ô nhiễm môi trường một khi dòng chảy của sông Đồng Nai bị thay đổi thì thiệt hại sẽ khôn lường. “Nơi đây, trước kia nhiều tàu khai thác cát vẫn lén lút thọc vòi vào hút gây sạt lở và có nguy cơ xâm lấn vào bên trong khu vực chính vùng đệm Cát Tiên. Tuy nhiên, theo đặc thù là Di tích quốc gia đặc biệt, nên cơ quan cũng có nhiều văn bản gửi chính quyền huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) và huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) can thiệp nên tình trạng khai thác cát trái phép khu vực này có giảm nhưng để bảo đảm an toàn, chúng tôi luôn cắt cử người canh, xua đuổi các tàu khai thác cát trái phép…” – ông Tiến nói.
Trong khi đó, theo Ban Giám đốc VQG Cát Tiên, từ vùng đất có thể nói là “bất khả xâm phạm”, hiện VQG này lại đang bị xâm hại. Dọc theo bờ sông, hàng chục ngàn mét vuông đất của VQG đã bị cuốn phăng, có nơi sạt lở kéo dài tới hơn nửa cây số, sâu vào đất vườn tới 4-5 m.
Báo cáo của VQG Cát Tiên cũng cho thấy tại đoạn sông Đồng Nai bao quanh vườn dài gần 15 km, thuộc quản lý của VQG, xác định18 điểm sạt lở bờ sông, tổng diện tích sạt lở là 13.800 m2, vị trí sạt lở lớn nhất dài 660 m, rộng 4 m; vị trí nhỏ nhất sạt lở 27 m, rộng 5,5 m.
Riêng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện xung quanh khu vực VQG Cát Tiên, nhiều công trường, bãi tập kết cát nằm ngay cạnh. Từ VQG, có thể thấy tình trạng sạt lở nghiêm trọng, cây cối đổ xuống sông. Một số đoạn sạt lở nặng, mang tính cấp bách được gia cố nhưng không được là bao so với tình hình sạt lở chung.
Không ai chịu trách nhiệm giám sát
Sau thời gian các địa phương tạm ngưng việc khai thác cát trên sông Đồng Nai, sắp tới, các dự án khai thác cát đã được cấp phép hoạt động trở lại. Qua đó, 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước cũng đã thống nhất trong thời gian tới, mỗi tỉnh chỉ cấp mới 2 giấy phép khai thác cát tại đoạn giáp ranh của sông Đồng Nai (bao gồm cả sông Đạ Huoai thuộc 2 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng).
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), cho biết theo quy định mới, mỗi giấy phép khai thác mới có thời hạn không quá 5 năm, công suất không quá 10.000 m3/năm. Vị trí cấp phép khai thác mới phải bảo đảm không bị sạt lở, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến VQG Cát Tiên. Các tổ chức, cá nhân khi được cấp phép khai thác mới phải thực hiện đầy đủ các quy định như: định vị vị trí khai thác, mỗi vị trí chỉ có tối đa 2 phương tiện khai thác theo công suất đăng ký, bảo đảm khai thác đúng thời gian…
“Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, 3 tỉnh cũng cho phép lực lượng công an được truy bắt các đối tượng vi phạm, kể cả khi đã chạy qua địa bàn tỉnh khác. Sau khi bắt được các đối tượng vi phạm, lực lượng truy bắt liên hệ, phối hợp với công an trên địa bàn liên quan để xử lý” – ông Hùng cho biết.
Ông Đoàn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), nói cấp phép là vậy nhưng không có đơn vị nào giám sát trữ lượng khai thác của công ty. “Cao điểm chúng tôi thấy hàng chục tàu hút cát hoạt động trên sông mà không thể phối hợp xử lý. Thậm chí, tình trạng khai thác cát lậu còn manh động đến mức lực lượng chức năng các xã nào xua đuổi thì “cát tặc” lại thọc vòi qua sông của xã kia mà xã kia lại thuộc tỉnh khác quản lý nên rất khó phối hợp xử lý ngay thời điểm phát hiện khai thác…” – ông Nam thông tin. Ông cũng cho biết riêng xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) có tới hơn 100 vị trí sạt lở. Trong đó, diện tích đất của 16 hộ dân của thôn Vĩnh Ninh với tổng diện tích sạt lở hơn 10.000 m2. Tại thôn Phước Thái cũng xuất hiện tàu hút cát trái phép khai thác vào ban đêm và gây sạt lở 14 vị trí của 9 hộ với tổng diện tích thiệt hại 4.479 m2.
“Cát tặc” quá nhiều chiêu trò
Nhiều xã trên địa bàn huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) có nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát, rất phong phú. Địa bàn trải rộng, đi lại khó khăn, lực lượng quản lý mỏng, giá trị cát tăng cao là những nguyên nhân khiến “cát tặc” luôn tìm cách hoạt động. Hình ảnh này sẽ rất dễ tái diễn nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp giám sát hiệu quả các giấy phép khai thác cát vừa được cho phép hoạt động trở lại Ảnh: ĐÌNH THI |
Kỳ tới: Triệu người đang bị đe dọa