Gần một tuần nay, hàng trăm người dân thôn Nam Phước (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) dựng lều túc trực ngay trước cổng nhà máy cồn Đại Tân, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra.
Khuya 18.9, người dân sinh sống lân cận nhà máy cồn bỗng giật mình khi ngửi thấy mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào nhà. Ông Bùi Chính Thức, người dân thôn Nam Phước cho biết: “Khoảng 11 giờ, Đang ngủ thì có mùi hôi bay xộc thẳng vào nhà khiến tôi thở không được, khi tìm nguyên nhân thì phát hiện nước thải từ nhà máy chảy ra, chúng tôi chịu hết nổi với mùi đó rồi”.
Ông Trương Hùng (65 tuổi, người dân thôn Nam Phước) chia sẻ: “Mùi hôi thối thường xuất hiện vào buổi tối và trời mưa. Giờ nước giếng nước múc lên có màu đen vậy biểu sao chúng tôi uống, rồi cứ như thế con cháu tôi sao sống”.
Ông Phạm Văn Tĩnh – Phó Giám đốc nhà máy cồn Đại Tân xác nhận, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do sự cố tràn dầu fusel trong quá trình sản xuất. “Nhà máy đã cho cô lập, đóng các cống xả, chặn các vị trí không cho dầu tràn ra môi trường bên ngoài. Công tác xử lý sự cố rò rỉ dầu fusel đang tiếp tục triển khai. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi khắc phục được khoảng 90%”, ông Tĩnh nói.
Ngay khi xảy ra sự cố tràn dầu fusel, Sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Nam đã đến hiện trường để lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát môi trường huyện Đại Lộc, chính quyền xã Đại Tân niêm phong các cống xả từ hồ sinh thái của nhà máy nhằm ngăn chặn tình trạng dầu fusel tràn ra môi trường bên ngoài.
Trong khi chờ cơ quan chức năng công bố kết quả xét nghiệm, đưa ra đánh giá tác hại môi trường sau sự cố tràn dầu, người dân vẫn kiên quyết phản đối hoạt động của nhà máy.
Ông Trương Hùng (người dân thôn Nam Phước) nói: “Bà con mong muốn đóng cửa nhà máy, bố trí tái định cư để người dân di dời. Gần 10 năm qua, nỗi khổ khi phải ngửi mùi hôi thối của bà con đã quá sức chịu đựng rồi. Nếu cứ thế này, con cháu chúng tôi sẽ chết dần chết mòn vì ô nhiễm”.
Được biết, nhà máy Ethanol Đại Tân thuộc Công ty Cổ phần Đồng Xanh với tổng vốn đầu tư trên 600 tỉ đồng, trong đó hơn 100 tỉ đồng đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải. Sau khoảng hai năm đi vào hoạt động, tháng 11.2012, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn về vốn. Đến tháng 3.2015, Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm mua lại toàn bộ nhà máy này. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy nhiều lần để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường.