Nga ký sắc lệnh thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Theo sắc lệnh được Thủ tướng Medvedev ký, Nga chính thức thông qua Hiệp định Paris và sẽ phân phối các nguồn lực tài chính đến các nước đang phát triển để ngăn ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 23/9, Nga – quốc gia có lượng khí thải lớn thứ 4 trên thế giới, tuyên bố Moskva sẽ thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, sau khi Thủ tướng Dmitry Medvedev ký một sắc lệnh thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ Nga đối với thỏa thuận này.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. (Nguồn: aa.com.tr)

Theo sắc lệnh được Thủ tướng Medvedev ký đề ngày 21/9, Nga đã chính thức thông qua Hiệp định Paris và sẽ phân phối các nguồn lực tài chính đến các nước đang phát triển để ngăn ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sắc lệnh cho biết Nga không cần thiết phê chuẩn Hiệp định Paris do Moskva đã thể hiện sự tôn trọng với các cam kết khi ký thỏa thuận này vào tháng 4/2016. Một tuyên bố của Chính phủ Nga nhấn mạnh mặc dù không chính thức gọi là “phê chuẩn,” song sắc lệnh này thể hiện sự thông qua của Nga đối với hiệp định và sự đồng thuận đối với các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp định.

Phát biểu tại cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Medvedev đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Nga trong việc tham gia Hiệp định Paris trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa phá hủy cân bằng hệ sinh thái, tạo ra nhiều nguy cơ đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp then chốt, đe dọa sự an toàn của người dân đang sống tại khu vực băng vĩnh cửu cũng như làm gia tăng các thảm họa tự nhiên.

Ông Medvedev nhận định Nga còn rất nhiều việc phải làm để chuyển đổi nền kinh tế hiện nay sang nền kinh tế phát thải khí carbon thấp.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexei Gordeyev cũng khẳng định tầm quan trọng của việc Nga tham gia Hiệp định Paris, bởi nước này sẽ có tiếng nói khi đưa ra quyết định về các biện pháp mới nhằm kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông xác nhận dự luật liên quan đến kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã được Bộ Kinh tế Nga trình lên và bày tỏ hy vọng dự luật sẽ được thông qua trong năm nay.

Tuyên bố trên được đưa ra vài giờ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) nhằm làm hồi sinh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới đã đề ra những mục tiêu nhằm làm giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cảnh báo rằng thậm chí toàn bộ các nước trên thế giới đạt được mục tiêu đặt ra thì nhiệt độ của Trái Đất sẽ vẫn tăng từ 2,9-3,4 độ C. Do vậy, để duy trì nhiệt độ Trái Đất ở mức 2 độ C, các nước cần tăng gấp 3 các mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải hiện nay và tăng gấp 5 lần các mục tiêu để duy trì nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C. Báo cáo khẳng định, về mặt kỹ thuật, những tham vọng này là có thể thực hiện được.