Na Uy sẽ trả cho Gabon – quốc gia có tới 90% diện tích có rừng bao phủ – 10 USD cho mỗi tấn carbon không phát thải ra môi trường, tính theo mức trung bình hằng năm của quốc gia Trung Phi này.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh – đó là triết lý cơ bản của hiệp định được ký kết ngày 22/9 giữa Na Uy và Gabon – nơi sẽ trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên được trả tiền để bảo vệ các khu rừng của mình trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu với báo giới ở New York (Mỹ) trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, Bộ trưởng Lâm nghiệp Gabon – ông Lee White cho biết: “Na Uy đã cam kết bù đắp cho chúng tôi về việc giảm lượng khí thải… Họ sẽ trả tiền cho chúng tôi vì chúng tôi chưa phá rừng và vì chúng tôi đã quản lý việc đốn gỗ có trách nhiệm và giảm lượng khí thải liên quan đến việc khai thác gỗ”.
Theo thỏa thuận, Na Uy sẽ trả cho Gabon – quốc gia có tới 90% diện tích có rừng bao phủ – 10 USD cho mỗi tấn carbon không phát thải ra môi trường, tính theo mức trung bình hằng năm của quốc gia Trung Phi này trong giai đoạn 2005-2014, và lên tới mức thanh toán tối đa 150 triệu USD trong 10 năm.
Bộ trưởng White cho biết Gabon muốn khai thác rừng theo cách bền vững, trong khi 80% lượng khí thải của Gabon có liên quan đến việc khai thác rừng. Ông cho rằng: “Nếu chúng ta có thể thu hẹp bề rộng của đường sá, đốn cây theo hướng giảm thiểu thiệt hại, giảm kích thước đường xe ủi đất và tăng chu kỳ tái tạo rừng, chúng ta có thể thực hiện nhiều bước để giảm khí thải”.
Ông đồng thời nhấn mạnh 150 triệu USD không phải là một số tiền khổng lồ mà “điều quan trọng hơn là nguyên tắc”. Hy vọng là bằng cách đồng ý trả 10 USD cho mỗi tấn carbon không phát thải ra môi trường, Na Uy sẽ đẩy giá carbon toàn cầu tăng lên.