Doanh nghiệp không có chức năng nhưng các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông vẫn thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh giao hơn 1.600ha rừng, đất rừng.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện đối với dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới (trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh) tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Doanh nghiệp này không có chức năng quản lý, bảo vệ rừng và không có đủ điều kiện tài chính để thực hiện dự án nhưng các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông vẫn thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh giao hơn 1.600ha rừng, đất rừng.
Tính bình quân, từ thời điểm giao đất giao rừng đến nay, mỗi năm Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới để mất gần 100ha rừng tự nhiên. Việc giám sát, kiểm tra của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cũng kém hiệu quả, thậm chí nhiều báo cáo được xác định thiếu độ chính xác về số liệu, nội dung. Trong khi đó, tình trạng lấn chiếm đất đai, khiếu kiện tại dự án kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng xấu đến an ninh – trật tự.
Cụ thể, ngày 22/12/2008, ông Đỗ Thế Nhữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ký quyết định cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới thuê 1.678 ha đất, đất rừng để thực hiện dự án quản lý, bảo vệ rừng và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Vị trí thửa đất tại xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
Nguồn gốc đất thu hồi từ diện tích được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông) quản lý. Trong số này, có hơn 1.200 ha là rừng tự nhiên, đất không có rừng gần 300 ha, đất trồng điều và một số loại cây công nghiệp hơn 130 ha, còn lại là các loại đất khác.
Ngay từ thời điểm được giao đất, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới đã quản lý lỏng lẻo, kém hiệu quả. Diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá trên quy mô lớn. Đến năm 2015, tổng diện tích rừng được giao cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới bị xóa trắng hơn 780ha. Đến tháng 2/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông xác định, tổng diện tích rừng được giao cho công ty này bị xóa sổ gần 815ha.
Các nội dung khác của dự án như trồng rừng, trồng cao su, tổ chức đầu tư – quản lý dự án đều bị Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới thực hiện lỏng lẻo, kém hiệu quả và nhiều sai phạm.
Các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông được xác định có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thẩm định dự án, cũng như tham mưu, xử lý khi Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới để mất rừng trên quy mô lớn, trong thời gian dài.
Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới không đăng ký ngành nghề quản lý, bảo vệ rừng nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông vẫn có văn bản khẳng định dự án phù hợp với ngành nghề kinh doanh của công ty (văn bản ngày 10/12/2008); tổng vốn đầu tư cần thiết để thực hiện dự án hơn 76 tỷ đồng, còn vốn điều lệ của công ty chỉ hơn 12 tỷ đồng nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn thẩm định nhu cầu sử đụng đất.
Năm 2011, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, trong đó nêu rõ, nếu trong năm 2012, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới vẫn để xảy ra phá rừng thì sẽ thu hồi dự án. Nhưng từ đó đến nay, các sở ngành vẫn chưa tham mưu thu hồi, trong khi việc mất rừng vẫn tiếp diễn hàng năm.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông xác định, từ năm 2009-2018, có 9 đoàn kiểm tra tình hình thực hiện dự án của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới. Nhìn chung số liệu trong các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thiếu chính xác. Một số chỉ đạo của UBND tỉnh về việc trồng lại rừng cũng không được Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới thực hiện, ngành chức năng cũng không kiểm tra, đôn đốc.
Bên cạnh đó, hàng trăm quyết định xử lý vi phạm hành chính của UBND huyện Tuy Đức (chủ yếu đối với các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép – PV) cũng không được thực hiện, trong khi rừng tiếp tục bị tàn phá dai dẳng và các đối tượng lấn chiếm, sang nhượng đất vẫn chiếm dụng và sử dụng đất vi phạm.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông kết luận, việc Trung tâm quy hoạch khảo sát thiết kế nông lâm nghiệp Đắk Nông đưa gần 170 ha đất người dân đang canh tác (trong đó có hơn 130 ha đất trồng điều) vào dự án là không đúng quy định.
Phần lớn diện tích rừng (hơn 1.200 ha) được giao cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới là rừng trung bình, không đủ điều kiện để chuyển đổi trồng cao su, trồng rừng. Đây đều là những sai phạm nghiêm trọng, làm “tiền đề” cho các sai phạm khác trong quá trình thực hiện dự án này.
Cùng với đó, tiến độ thực hiện dự án cũng quá chậm trễ, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới không bố trí đủ nhân lực, vật lực để thực hiện, việc quản lý tài chính, kế toán cũng được xác định có nhiều sai phạm, cần phải xử lý nghiêm.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông khẳng định, hàng trăm hộ dân tại Tuy Đức và một số huyện lân cận của tỉnh Bình Phước đã có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng và sang nhượng, canh tác trái phép trên đất rừng. Sau đó là khiếu nại, tố cáo dai dẳng, vượt cấp, trong đó có nhiều nội dung không đúng sự thật. Tất cả các hành vi này đều vi phạm pháp luật. Trong việc này, doanh nghiệp có lỗi là quản lý lỏng lẻo, chính quyền địa phương cũng thiếu kiểm tra, giám sát.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi toàn bộ dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới và giao diện tích rừng còn lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý, bảo vệ; đồng thời giao Sở Nội vụ và các sở ngành liên quan xử lý kiểm điểm, kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan, bao gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Kiểm lâm, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, Quỹ Bảo vệ – Phát triển rừng Đắk Nông, UBND huyện Tuy Đức…
Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới để trao đổi, làm rõ hơn một số nội dung thông tin nhưng không được phản hồi, hợp tác. Theo thông tin của phóng viên, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới không mở chi nhánh tại Đắk Nông, có thời điểm công ty chỉ bố trí 1 người thực hiện công tác quản lý dự án, không có lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.