Hàng triệu người khắp 185 quốc gia xuống đường biểu tình hôm 20-9, yêu cầu giới lãnh đạo hành động nhanh và kịp thời để đẩy lùi hậu quả của biến đổi khí hậu.
Đây là cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử, trải dài rất nhiều múi giờ, ngôn ngữ, tôn giáo và chủng tộc khác nhau.
Mới một năm trước, Greta Thunberg – nhà hoạt động môi trường nhí 16 tuổi – bỏ học để biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển. Đến nay, phong trào biểu tình chống biến đổi khí hậu do cô khởi xướng nhận được sự quan tâm trên toàn thế giới.
Phong trào “Thứ Sáu vì tương lai” mang một thông điệp chung thống nhất: Giới lãnh đạo và các tập đoàn lớn phải nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính để tái ổn định nhiệt độ của Trái đất.
Tuy nhiên, tùy vào tình trạng chính trị – kinh tế mà ở mỗi quốc gia, tính chất của thông điệp sẽ khác nhau. Ở đảo Solomon, người biểu tình tác động đến vấn đề mực nước biển dâng cao. Tương tự, người biểu tình yêu cầu ngừng dùng năng lượng than ở Úc, kêu gọi nâng cao nhận thức về khác thải nhựa và vấn đề ô nhiễm không khí ở Ấn Độ…
“Chúng tôi đến đây để tuyên bố và yêu cầu quyền được sống, quyền được thở, quyền được tồn tại. Những quyền này đang bị tước đi khỏi thế hệ chúng tôi bởi giới lãnh đạo thờ ơ và một hệ thống chính trị với quá nhiều các mục đích công nghiệp nhưng không có lấy một quy định môi trường nào”, một người biểu tình trẻ ở Dehli (Ấn Độ) chia sẻ.
Tại Đài Loan, các đại diện từ những trường THPT và đại học khắp hòn đảo công bố một văn kiện, yêu cầu những ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới phải giới thiệu chính sách chống biến đổi khí hậu trong chiến dịch của họ.
Ở Ba Lan và Đức, những đám đông lên đến 1.4 triệu người xuất hiện trên phố, bao vây các tòa nhà Lãnh sự quán và Quốc hội. Ngay sau cuộc biểu tình, Thủ tướng Đức Angela Merkel lập tức phê chuẩn một gói tài chính trị giá 50 tỉ euro nhằm hỗ trợ chống khí thải nhà kính từ nay đến năm 2030.
Một chi tiết đáng chú ý trong đợt biểu tình trong ngày 20-9 vừa qua là sự tham gia của những người lớn, thay vì hầu hết là học sinh như trước đó. Nhiều cơ quan công đoàn ra sức hỗ trợ cuộc biểu tình về nhân lực lẫn vật lực. Các bác sĩ, y tá rời cơ quan để tham gia “Thứ sáu vì tương lai”.
Được biết, hơn 1.000 nhân viên của tập đoàn Amazon đã rời cơ quan để tham gia biểu tình để yêu cầu Amazon sử dụng năng lượng công nghệ xanh. Không chỉ Amazon, một số lớn nhân viên Google và Facebook cũng vắng mặt tại công ty trong ngày 20-9 vừa qua.
Cuộc biểu tình lớn này diễn ra ngay trước thềm Hội thảo Khí hậu Liên Hiệp Quốc được tổ chức từ ngày 21 đến 23-9 tại New York.
Lam Nguyên (Nguồn: The Guardian)