Sáng 20-9, ông Ngô Kiên Trung, Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai) cho biết, đơn vị vừa phát hiện quần thể cây thiết sam quý hiếm tại Tiểu khu 62 của khu bảo tồn thiên nhiên này.
Trước đó, trong đợt tuần tra rừng kết hợp với điều tra, khảo sát để đề xuất đưa vào bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại cao, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã phát hiện tại Tiểu khu 62, xã Dền Sáng (Bát Xát) có quần thể cây thiết sam quý hiếm, chỉ có phân bố ở Lào Cai và một số tỉnh phía bắc với số lượng còn rất ít.
Quần thể thiết sam có diện tích phân bố tập trung khoảng 150 ha, với hơn 100 cây có đường kính từ 0,8 đến 1 m trở lên và rất nhiều cây nhỏ, cây tái sinh; độ cao phân bố từ 1.800 m đến 2.000 m so mực nước biển. Cây thiết sam là một trong số 33 loài thông của Việt Nam, được xếp vào danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ quốc gia và quốc tế.
Tại Lào Cai, cây thiết sam chỉ có ở Vườn quốc gia Hoàng Liên với một số cá thể rải rác và cây nhỏ, còn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát thì quần thể cây lớn và tập trung, nguyên vẹn, có giá trị trong nghiên cứu khoa học và bảo tồn, phát triển nguồn gen quí hiếm. Ông Trung cho biết thêm, trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát sẽ đề xuất xây dựng dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gien quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học loài thiết sam” tại đây.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Tại đây đã phát hiện hơn 940 loài thực vật bậc cao có mạch và 157 loài động vật có xương sống ở cạn; trong đó có 38 loài thực vật thuộc sách đỏ Việt Nam, năm loài thuộc sách đỏ thế giới, phát hiện một loài thực vật mới, 22 loài động vật thuộc sách đỏ Việt Nam, 13 loài động vật thuộc sách đỏ thế giới, 20 loài thuộc Nghị định 32/2006/NĐ-CP, sáu loài động vật đặc hữu.