Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Gia Lai buông lỏng quản lý, để mất 1.228ha rừng tại 20 tiểu khu. Lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang các dự án trồng cao su, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, thương hiệu và cả Cty quân đội tại Gia Lai đã “đua nhau” chiếm đất rừng để tư túi, trục lợi.
Có hay không việc “bắt tay” giữa DN và các Giám đốc Ban Quản lý rừng, đang được UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo công an vào cuộc.
Xâu xé đất rừng
Thanh tra tỉnh Gia Lai ngày 13.9 đã đặt hồ sơ kết luận sai phạm tại BQL rừng phòng hộ Ia Puch (BQL Ia Puch) lên bàn lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị chuyển công an điều tra việc mất 1.228ha rừng.
BQL Ia Puch thành lập năm 2002, được chuyển đổi từ Lâm trường Chư Prông, hiện trực thuộc Sở NNPTNT, được giao quản lý 16.763ha (trong đó 13.538ha đất có rừng). BQL Ia Puch càng quản lý càng để mất rừng. Kiểm tra các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng caosu của Binh đoàn 15 (lâm phận BQL Ia Puch quản lý), đoàn thanh tra phát hiện ngoài vị trí rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm trồng caosu của Cty Bình Dương (Binh đoàn 15) – đang được cơ quan điều tra công an tỉnh Gia Lai thụ lý giải quyết (trong 1 vụ án khác), thì từ năm 2008 đến nay còn có 868ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm đất để làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp; cùng với 359ha bị một số doanh nghiệp chặt phá, lấn chiếm đất để trồng cây caosu.
Việc đất rừng bị “xâu xé” đã bộc lộ sự buông lỏng trách nhiệm của BQL Ia Puch. Dù diện tích rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm 1.228ha song BQL chỉ lập biên bản vi phạm trên 62ha. Diện tích 1.166ha còn lại bị người dân, DN phá rừng, lấn chiếm đất, BQL không phát hiện và lập biên bản vi phạm cũng như không báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
“Như vậy, BQL chưa thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng theo Luật bảo vệ, phát triển rừng và Luật lâm nghiệp”- Phó Chánh thanh tra – ông Nguyễn Phúc – ký kết luận 11 nhấn mạnh. Trách nhiệm thuộc về bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc BQL Ia Puch (giai đoạn từ năm 2008 – 2013) và ông Phan Quốc Huy – Giám đốc BQL Ia Puch (giai đoạn từ năm 2013 – đến nay).
Doanh nghiệp uy tín chiếm đất rừng
Kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp tại các vị trí hành lang dọc Quốc lộ 14C, xuất hiện 110 hộ gia đình lấn chiếm đất rừng. Họ chủ yếu là công nhân của các DN thương hiệu của Gia Lai và Công ty kinh tế quân đội của Binh đoàn 15. Số đất rừng bị nhiều DN “số má” ở Gia Lai chặt phá, lấn chiếm trục lợi là 359ha. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, DN nào chiếm đất rừng, câu trả lời sẽ rõ hơn sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc và kết luận tới đây.
Dựa trên hồ sơ BQL Ia Puch cung cấp, từ năm 2011, đơn vị này đã phát hiện và báo cáo lên UBND xã, UBND huyện Chư Prông và Sở NNPTNT ngăn chặn các trường hợp xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, theo đoàn thanh tra, từ đó đến nay, chính quyền địa phương và BQL Ia Puch không thể xử lý. Các hộ chiếm đất rừng vẫn đang sinh sống tại vị trí vi phạm, tiếp tục cơi nới và mở rộng diện tích lấn chiếm.
Giao quản lý rừng, đất rừng nhưng BQL có dấu hiệu cấu kết với các DN trục lợi đất rừng. Thanh tra tỉnh từ đó kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sai phạm của BQL do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng để mất 1.228ha tại 20 tiểu khu từ năm 2008 đến nay thuộc diện tích rừng được giao quản lý và các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi phá rừng, chiếm đất trồng cây nông nghiệp, caosu sang Cơ quan điều tra công an tỉnh xử lý.
BQL Ia Puch còn sai phạm tài chính khi thanh toán sai khối lượng (vật liệu) trong các công trình xây dựng nhà làm việc, cổng, hàng rào… hàng chục triệu đồng. |