Cấp bách di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang là mối đe doạ lớn đối với sức khoẻ người dân. Liên tiếp những ngày qua, chỉ số chất lượng không khí AQI tại Hà Nội ở mức báo động! Để giải quyết tình trạng này, Hà Nội cần thực hiện “một núi” công việc làm sạch môi trường…

Chỉ số chất lượng không khí AQI đã thuộc nhóm màu da cam

Theo số liệu từ thông tin quan trắc môi trường (UBND TP.Hà Nội), 11 điểm đo của Hà Nội liên tiếp trong 2 ngày 17.9 – 18.9 đều có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 101-170, thuộc nhóm da cam (thang 3 trong 5 thang bậc đo chất lượng tính theo hướng dẫn tại Quyết định 878/QĐ-TCMT ngày 1.7.2011 của Tổng cục Môi trường về việc ban hành sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số chất lượng không khí AQI). Không khí ở mức này được xếp vào nhóm nhạy cảm, không tốt cho sức khỏe tất cả mọi người nên cần hạn chế thời gian ở ngoài.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam – cho biết, các chỉ số AQI được tính toán trên công thức để chuyển đổi số đo PM 2.5 thành chỉ số chất lượng không khí. Về nguyên nhân của tình trạng này, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho biết, là do hiện tượng nghịch nhiệt, thời tiết Hà Nội đang trong giai đoạn của đầu mùa đông và theo quy luật thì hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra ở giai đoạn đầu mùa. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí, như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp…

Tiến sĩ Tùng cũng cho hay, ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 là vấn đề nghiêm trọng, loại bụi này theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới có chứa nhiều hạt kim loại và đây là loại có khả năng gây ung thư và đột biến gen cũng như một số bệnh khác cao nhất. Các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Phó Cục trưởng Cục Môi trường, chuyên gia đánh giá, thẩm định môi trường: “Hiện tượng ô nhiễm còn do sự quản lý các công trình xây dựng không tốt. Bụi từ các nơi sản xuất ximăng, sắt thép, hoá chất ở các tỉnh bay về Hà Nội, bụi mịn cũng hình thành do đốt rơm rạ, đốt rác”.

Đi tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí

Theo tìm hiểu của phóng viên, để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội, nhiều người đã lựa chọn việc đeo khẩu trang và cho rằng đây là phương pháp hữu hiệu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây chưa phải là biện pháp hữu hiệu vì khẩu trang thông thường chỉ ngăn chặn được những hạt bụi lớn.

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải (người khởi xướng việc áp dụng công nghệ ozone ở Việt Nam) cho biết: “Tôi có theo dõi thông tin trên báo chí và thấy có cảnh báo chỉ số không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động. Nhiều người dùng khẩu trang y tế nhưng không thể tránh khỏi bụi 1,5 hay 3 micromet. Bụi trong không gian có cái 1 micromet, có cái 2 micromet đó là trung tâm tích tụ khuẩn, nấm mốc chứ không phải chỉ có bụi mịn 2,5 micromet”.

Để tránh ô nhiễm không khí tăng cao, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng: “Giữ gìn vệ sinh chung phải là ý thức của mỗi người. Phải có biện pháp để mỗi công dân đều bảo vệ môi trường. Khi có ý thức giữ gìn vệ sinh, môi trường chung sẽ hạn chế được ô nhiễm, độc hại”.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học (Đại học Bách khoa Hà Nội) – cho biết, giải pháp đầu tiên là phải giảm phương tiện giao thông cá nhân (xe máy, ôtô), khuyến khích người dân đi lại bằng các phương tiện công cộng để giảm thiểu ùn tắc. Qua đó làm giảm mật độ khói bụi và các chất thải do quá trình đốt cháy nhiên liệu xăng dầu trong không khí, nhất là vào giờ cao điểm. Tiếp đó, cần giảm thiểu việc xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thành phố, chỉ giữ lại các xí nghiệp phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, thành phố cần tạo ra các diện tích cây xanh rộng lớn trong thành phố, thiết lập các dải cây xanh nối liền các khu vực khác nhau của thành phố, nhất là các khu vực, tuyến phố có nhiều phương tiện qua lại và hay xảy ra tình trạng ùn tắc.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân khi ra đường cần mặc các loại quần áo dài, đeo khẩu trang hoạt tính, sử dụng kính chắn bụi. Đồng thời cần hạn chế di chuyển ngoài đường bằng xe máy, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng… Trong nhà, cần trang bị máy lọc không khí; cần tắm rửa, vệ sinh da kỹ càng, loại bỏ bụi bẩn nguy hiểm ra khỏi cơ thể…

—–

Trao đổi với PV Lao Động, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân – Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho biết: “Hà Nội hiện đang có kế hoạch lắp đặt thêm các trạm quan trắc. Ngoài ra, Hà Nội cũng phát triển các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Và việc cấp bách hiện nay là di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Với các giải pháp trên, tôi tin rằng nếu thực hiện đồng bộ thì ô nhiễm không khí tại Hà Nội sẽ được cải thiện”.

Một vị lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì cho rằng, Hà Nội phải có biện pháp khuyến cáo, thậm chí ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành.