Chủ động phòng ngừa vi khuẩn Whitmore

Sau trường hợp nữ bệnh nhân nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn “ăn cánh mũi” ở BV Bạch Mai, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc một số bệnh viện khác cũng ghi nhận ca bệnh do loại vi khuẩn “ăn thịt người” có tên Whitmore gây ra, khiến nhiều người cảm thấy hoang mang.

Điều trị bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore. Nguồn: TTVH.

Trước tình trạng trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa chính thức đưa thông tin khuyến cáo, trong đó nhấn mạnh: Whitmore là bệnh ít gặp nhưng không phải hiếm, không gây thành dịch, bệnh cũng khó lây truyền từ người sang người.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh khó lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính.

Vi khuẩn vào các bộ phận của cơ thể, thường gặp là ở phổi. Bên cạnh đó là các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da các tuyến tiêu hóa…

Bệnh Melioidosis gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Bệnh Melioidosis dễ bị mắc ở những người có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch… kéo dài,  suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.

Để chủ động phòng bệnh Melioidosis (Whitmore), Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

GS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Whitmore là bệnh hiếm, bệnh lạ, bệnh quay lại sau nhiều năm vắng bóng và khẳng định, căn bệnh này vẫn thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch. “Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường “chân lấm, tay bùn” dễ bị vi khuẩn Whitmore – là một loại vi khuẩn gram âm, luôn tồn tại trong bùn, đất – nên với người không có miễn dịch đủ mạnh thì dễ mắc bệnh”- GS Kính nói. Còn về việc gần đây các bệnh viện ghi nhận nhiều ca bệnh whitmore, ông Kính cho rằng, nguyên nhân vì cao điểm của các ca bệnh whitmore thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7-11 hàng năm.

Những bệnh nhân nhập Bệnh viện Bạch Mai do nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” Whitmore giờ ra sao?

Ngày 18/9, thông tin về sức khỏe những bệnh nhân nhập viện do nhiễm vi khuẩn Whitmore tháng 8 vừa qua tại BV Bạch Mai, PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của BV cho biết, các bệnh nhân được điều trị ổn định và ra viện. Tuy nhiên, do quá trình chữa trị cần nhiều thời gian nên người bệnh vẫn cần duy trì dùng thuốc từ 3 đến 6 tháng tới. Về trường hợp nữ bệnh nhân bị vi khuẩn “ăn mòn” cánh mũi trước đó được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu, bác sĩ Cường cho biết, bệnh nhân được cấy máu và mủ ở vết thương, kết quả dương tính với vi khuẩn Whitmore. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã ổn định, chỉ bị tổn thương da và phần mềm ở cánh mũi, chưa bị ảnh hưởng đến xương, vết thương hết mủ và đang lên da non.