Trong 02 ngày (14,15/9/2019), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) tổ chức chương trình Tập huấn khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã cho các phóng viên trẻ, các nhà báo thường trú tại TP.HCM nhằm nâng cao chất lượng thông tin về vấn đề buôn bán động vật hoang dã.
Tham dự tập huấn có 30 phóng viên trẻ hoạt động trong mảng điều tra ở các cơ quan báo chí thường trú tại TP. HCM, cùng các chuyên gia, cán bộ bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã. Chương trình do Liên minh Châu Âu tài trợ trong khuôn khổ dự án “Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” do Tổ chức WCS điều phối thực hiện ở 7 quốc gia khu vực Tiểu vùng Mê Công và Trung Quốc, Malaysia, Myanmar.
Mục tiêu của Chương trình nhằm chia sẻ thông tin và trao đổi với các nhà báo về thực trạng, nguyên nhân cốt lõi của nạn buôn bán động vật hoang dã hiện nay; trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp giữa các nhà báo và chuyên gia; đồng thời mở rộng mạng lưới nhà báo quan tâm và có kỹ năng điều tra về chủ đề buôn bán động vật hoang dã
Trong thời gian 02 ngày diễn ra Chương trình, đại biểu tham dự đã được tìm hiểu đời sống về đêm của động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Đồng thời được nghe các chuyên gia trình bày về bối cảnh chung, tình trạng và các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở Việt Nam; về hiện trạng buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam và vị trí của Việt Nam trong đường dây buôn bán động vật hoang dã khu vực và trên thế giới; những khó khăn, thách thức và triển vọng trong bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam cũng như một số tiến bộ, hạn chế, thách thức trong khía cạnh chính sách và thực thi pháp luật, xử lý tội phạm buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam hiện nay.
Việt Nam được coi là một trong những điểm nóng về săn bắt, buôn bán và trung chuyển động vật hoang dã trên thế giới. Theo báo cáo Tổng kết tình hình thực thi pháp luật giai đoạn 2013-2017 của WCS, trong giai đoạn 5 năm từ 2013 đến 2017, các cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ 1.504 vi phạm với hơn 130 loài động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt… bất hợp pháp. Các vi phạm tập trung chính tại các thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), trong đó TP Hồ Chí Minh có 74 vụ việc được các cơ quan thực thi pháp luật phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã, khởi tố 49 vụ án trong 5 năm. Tại Đồng Nai cũng ghi nhận số lượng lớn các vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã với 126 vụ. Ngoài các địa bàn sát biên giới thì Đồng Nai cũng là một trong các điểm nóng ở phía Nam trong vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp xuyên biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, đồng thời cũng là địa phương có khai báo về nơi cư trú của người vi phạm lớn nhất khu vực phía Nam (theo khảo sát của WCS).
Trong phạm vi Chương trình, 30 phóng viên trẻ ở các cơ quan báo chí thường trú tại TP. HCM đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong tác nghiệp mảng điều tra về những vi phạm về động vật hoang dã; tìm hiểu một số đặc thù của hoạt động điều tra buôn bán động vật hoang dã; xác định được những đối tượng tiếp tay cho các đầu nậu buôn bán động vật hoang dã… Từ đó xây dựng được kỹ năng tìm kiếm đề tài, xác định vấn đề trong đề tài buôn bán động vật hoang dã; rèn luyện kỹ năng tiếp cận, thẩm định thông tin và điều tra, khai thác thông tin; trên cơ sở đó xây dựng được tác phẩm báo chí hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của người đọc đối với vấn đề động vật hoang dã. Và cuối cùng có thể đào sâu và mở rộng vấn đề, thu thập tài liệu, chứng cứ để chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết những vi phạm trong thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.