Tờ Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề: “Indonesia cần quy hoạch để phát triển bền vững”, theo đó chỉ rõ những thách thức mà đất nước vạn đảo đang phải đối mặt khi quy hoạch thủ đô mới.
Lo ngại phá vỡ hệ sinh thái
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã quyết định di chuyển thủ đô đến Đông Kalimantan. Kể từ khi kế hoạch di chuyển thành phố thủ đô được tiết lộ cách đây vài tháng, một cuộc tranh luận đã nảy sinh. Câu hỏi đặt ra là việc di dời có cần thiết hay không khi việc di chuyển thủ đô sẽ phá vỡ hệ sinh thái do chuyển đổi đất và làm thế nào để giữ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn.
Với vị trí địa lý độc đáo, Indonesia có mức độ đa dạng sinh học cao, cả hệ sinh thái trên đất liền và dưới biển. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), đa dạng sinh học trên đất liền của Indonesia đứng thứ hai sau Brazil với 19.000- 25.000 loài cây và các loài sinh vật khác.
Khi một khu rừng nhiệt đới bị phá hủy, phải mất tới 250 năm trồng lại với điều kiện khí hậu và môi trường thuận lợi. Do vậy, việc mất một hệ sinh thái và đa dạng sinh học sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Indonesia mà còn ảnh hưởng đến thế giới.
Đông Kalimantan là một điểm quan trọng về đa dạng sinh học, hệ sinh thái, loài và di truyền. Do vậy, việc quy hoạch trên đất liền, nếu xảy ra sai sót, sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững và đe dọa đến hệ sinh thái phong phú dưới biển.
Tuy nhiên, sự phát triển là không thể tránh khỏi do nhu cầu của tăng trưởng dân số và kinh tế. Indonesia hiện là nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới và được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 vào năm 2030. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần ưu tiên phát triển kinh tế bền vững. Một số chính sách và chiến lược hiện nay tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế mà chưa quan tâm đến mô hình phát triển bền vững có thể làm hỏng, thậm chí phá hủy đa dạng sinh học của Indonesia.
Để tránh thiệt hại và tổn thất lớn về môi trường và hệ sinh thái, Indonesia cần xây dựng và thiết kế quy hoạch dựa trên nghiên cứu khoa học, tính toán, đo lường và giám sát chặt chẽ để bảo vệ thiên nhiên, cải thiện quản lý tài nguyên và đầu tư thông minh cho một tương lai bền vững.
Hướng tới bền vững và toàn diện
Đầu những năm 1960, Tổng thống đầu tiên của Indonesia là Sukarno đã đưa ra Kế hoạch phát triển toàn diện (Pembangunan Semesta Berencana). Đó là một khái niệm phát triển đã xem xét tất cả các khía cạnh một cách toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hóa, thể chất và sinh thái… Nhưng khái niệm tiến bộ đó không thể áp dụng được vì nhiều lý do.
Phát triển theo thiết kế (DbD) giống với khái niệm Sukarno vì nó cung cấp cái nhìn toàn diện về cách phát triển trong tương lai có thể ảnh hưởng đến các hệ thống tự nhiên và đưa ra các giải pháp cho cả con người và động vật hoang dã. Với từng dự án phát triển đơn lẻ không có khả năng gây ra sự tuyệt chủng hoặc thảm họa sinh thái, nhưng tác động và tích lũy của nhiều dự án phát triển không theo quy hoạch có thể làm suy yếu nghiêm trọng về hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Về cốt lõi, DbD chính là chủ động để xác định khi nào các tác động phát triển tương thích với các mục tiêu bảo tồn và khi nào thì không. Phương pháp này cung cấp một cái nhìn toàn diện giúp cho những nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định về các giá trị của môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế cũng như về cách phát triển trong tương lai có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Các phân tích DbD đã được tiến hành ở Đông Kalimantan từ năm 2015 để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách khi nói đến kế hoạch phát triển ngành trên đất liền hướng tới các mục tiêu phát triển xanh. Các phân tích xác định có khoảng 4,5 triệu ha cần được bảo vệ trước nguy cơ bị chuyển đổi đất. Khu vực này cũng chứa 55% tổng trữ lượng carbon của Đông Kalimantan.
Các nhà hoạch định chính sách của Indonesia đã đưa ra kết quả từ các phân tích của DbD cho kế hoạch phát triển trung hạn nói chung và cho các vấn đề cụ thể như trồng rừng, trồng dầu cọ và các loại cây lâm nghiệp khác. Cơ chế này đã giúp Chính phủ Indonesia và các công ty tư nhân xác định 640.000 ha rừng trong các khu vực trồng dầu cọ với giá trị bảo tồn cao sẽ được bảo vệ trước nguy cơ bị giải phóng mặt bằng và lấn chiếm trong tương lai.
Một cách tiếp cận tương tự có thể áp dụng cho việc xây dựng thủ đô mới là thông qua phân tích cảnh quan để phân định danh mục bảo tồn, phân tích tác động và phát triển các kịch bản giảm thiểu để đạt được kết quả cân bằng giữa phát triển và bảo tồn.
Giả sử địa điểm của thủ đô mới là một phần của Công viên Tahura Bukit Soeharto, có diện tích 61.850 ha, sau đó dựa trên phân tích cảnh quan DbD, các nhà hoạch định phát hiện ra rằng khoảng 15.000 ha cần được coi là danh mục bảo tồn. Dựa vào đây, các kịch bản được xây dựng nhằm giảm thiểu tác động đến công viên Tahura Bukit Soeharto trong quá trình phát triển kinh tế tại đây.
Một kịch bản giảm thiểu quan trọng khác là khôi phục diện tích rừng bên trong công viên. Kinh phí phục hồi có thể đến từ việc đền bù từ tác động của sự phát triển của thủ đô mới. Thông qua DbD, việc bảo tồn và phát triển được thực hiện. “Chúng ta không thể ngừng phát triển, nhưng chúng ta phải thiết kế nó một cách thông minh”, tờ Jakarta Post nhận định.