Nguyên nhân cháy Công ty Rạng Đông được xác định do sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng đèn Led tại vị trí cách vách tôn phía Đông Bắc khoảng 7m.
Liên quan vụ cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông xảy ra vào tối 28.8, tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội chiều 17.9, UBND thành phố Hà Nội đã thông tin về nguyên nhân xảy ra vụ cháy tại công ty này.
Ông Vũ Đăng Định – Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội dẫn báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, ngày 12.9, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an có Kết luận giám định số 5306/C09-P2 kết luận nguyên nhân vụ cháy. Theo đó điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực cách vách tôn phía Đông bắc khoảng 7m, cách vách tôn phía Tây bắc khoảng 3,4m bên trong tầng 2.
Nguyên nhân cháy do sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng đèn Led tại vị trí cách vách tôn phía Đông Bắc khoảng 7m, cách vách tôn phía Tây bắc 3,4m bên trong tầng 2 của kho bán thành phẩm, làm cháy các chi tiết bên trong của bóng đèn Led, sau đó cháy lan ra xung quanh, dẫn đến vụ cháy nói trên.
Cũng liên quan vụ cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, ngày 16.9, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Bộ tư lệnh hóa học, Công ty cổ phần môi trường đô thị và Công nghiệp (Urenco 10) cùng một số chuyên gia đã họp bàn phương án xử lý môi trường sau vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông.
Các bên liên quan đã ký biên bản thông qua công tác tiêu tẩy của Bộ tư lệnh hóa học; phương án phá dỡ, vận chuyển của Urenco 10 và thời gian tới sẽ lập hội đồng khoa học đánh giá phương án xử lý chất thải.
Đám cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (số 87-89 phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bùng phát lúc 18h ngày 28.8, kéo dài suốt 5 tiếng. Thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng, trong đó sản phẩm đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.
Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy từ 15,1 kg đến 27,2 kg, trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.